Trước đó, ngày 10/9, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho cháu N.T.P (11 tuổi, sống tại tỉnh Sóc Trăng) với triệu chứng đau quặn bụng từng cơn khi đi tiểu.
Theo mẹ cháu P, trước đó gia đình đưa cháu P đi điều trị tại một bệnh viện ở Sóc Trăng nhưng không tìm ra được nguyên nhân.
Sau đó, gia đình mới đưa cháu P đến Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long. Tại khoa Nhi, qua thăm khám, thực hiện các chẩn đoán cận lâm sàng như xét nghiệm máu, siêu âm bụng... các kết quả vẫn trong giới hạn bình thường.
Tuy nhiên, bác sỹ phát hiện tại hậu môn bệnh nhi có nhiều hạt sơri kết lại với nhau tạo thành một khối lớn, gây tắc ống hậu môn.
Ngay lập tức, cháu P. được bác sỹ tiến hành điều trị và lấy ra trên 70gr hạt sơri còn nguyên vẹn, nhiều hạt đã nảy mầm.
Sau khi được các bác sỹ lấy ra khối hạt sơri, cháu P không còn đau quặn bụng như trước. Hiện, sức khỏe cháu P. ổn định, tiếp tục được theo dõi và chăm sóc tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long.
Bác sỹ Phạm Nguyễn Yến Trang, Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết sơri là một loại trái cây rất phổ biến ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khi chín trái có màu đỏ thẫm trông rất đẹp, có vị chua ngọt, chứa nhiều vitamin C, vitamin A và các chất dinh dưỡng khác.
Tuy nhiên, khi ăn, cần phải bỏ hạt bên trong vì hạt sơri có nhiều cạnh, dễ kết dính lại với nhau tạo thành một khối rắn chắc, không tiêu hóa được, dễ gây tắc ống hậu môn.
Theo bác sỹ Trang, các vụ tắc ống hậu môn do hạt sơri kết dính lại nếu không chữa trị kịp thời sẽ gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt đối với trẻ em.
Nếu phụ huynh phát hiện trẻ bị táo bón nhiều ngày mà trước đó có ăn quả sơri, người lớn cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời./.