Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hơn 83% đại biểu tán thành Quy hoạch đê điều

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 3/12, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch đê điều trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với 83,2% đại biểu tán thành.

Theo Tờ trình Quy hoạch đê điều trên địa bàn TP Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt trình bày, Hà Nội có gần 800km đê, 136 kè với tổng chiều dài 167km bảo vệ bờ sông, 190 cống dưới đê, 234 cửa khẩu qua đê, 367 điếm canh đê, 84 kho, bãi vật tư dự trữ phòng chống lụt bão, 279 giếng áp, 17 trụ sở hạt quản lý đê, 2 công trình đầu mối phân lũ là Vân Cốc và Đập Đáy; đặc biệt có 37,709km đê Hữu Hồng là đê cấp đặc biệt bảo vệ trực tiếp cho khu vực trong tâm thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt trình HĐND TP Quy hoạch đê điều trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt trình HĐND TP Quy hoạch đê điều trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hệ thống đê Hà Nội đã được hình thành, phát triển qua nhiều thế hệ, hàng năm thường xuyên được đầu tư tu bổ, nâng cấp, đã được phát huy tốt vai trò phòng chống lụt bão bảo vệ Thủ đô, đặc biệt qua sử dụng thách thức với các trận lũ lướn có tính chất lịch sử như lũ các năm 1945, 1969, 1971, 1996. Tuy nhiên, hiện tại trên hệ thống đê điều Hà Nội còn nhiều vấn đề tồn tại: Đê chủ yếu đắp bằng đất, có nhiều điểm cong gấp, thắt hẹp cục bộ; một số đoạn chưa đủ cao trình chống lũ thiết kế, mái đê dốc, mặt cắt nhỏ; mặt đê được cứng hóa nhưng chỉ chịu được tải trọng nhẹ, còn có tuyến đê mặt bằng chưa được cứng hóa; thân đê có nhiều ẩn họa, địa chất nền đê yếu; hầu hết các cống dưới đê xây dựng từ lâu, đã xuống cấp, hư hỏng; bờ, bãi thường xuyên xảy ra sạt lở…

Việc quy hoạch đê điều nhằm phù hợp với chiến lược phát tiển KT-XH của TP, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; phù hợp với quy hoạch phòng chống lụt của từng tuyến sông có đê, đặc biệt để thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu mà Việt Nam là một trong những khu vực bị tác động mạnh nhất, cần phải quy hoạch hệ thống đê trên địa bàn TP, làm cơ sở cho việc quản lý, bảo vệ, đầu tư tu bổ, nâng cấp bảo đảm tuyệt đối an toàn đê điều trong phòng chống thiên tai, lụt bão, phục vụ phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, xây dựng, phát triển đô thị, bảo đảm đời sống nhân dân…
ĐB Vũ Đức Bảo (tổ Long Biên) phát biểu ý kiến về Quy hoạch đê điều
ĐB Vũ Đức Bảo (tổ Long Biên) phát biểu ý kiến về Quy hoạch đê điều.
Tại báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP nhìn chung thống nhất với nội dung quy hoạch, đồng thời Ban đề nghị nhấn mạnh việc xác định quan điểm, mục tiêu xây dựng hệ thống đê điều phục vụ đa mục tiêu là hợp lý đối với TP Hà Nội song mục tiêu ngăn lũ là mục tiêu hàng đầu, các mục tiêu khác phải được xem xét trên cơ sở đảm bảo mục tiêu ngăn lũ và phù hợp với đặc thù địa chất, dòng chảy của sông và tính an toàn của hệ thống đê điều. Trên cơ sở đó rà soát, luận giải kỹ hơn các đề xuất mở rộng, xây dựng mới các tuyến đê để kết hợp mục tiêu giao thông; kè mới các tuyến đê để kết hợp mục tiêu cảnh quan, du lịch.

Ngoài ra, việc đề xuất xây dựng mới một số đoạn đê để thuận tiện trong công tác quản lý hoặc thuận lợi cho giao thông cần được lý giải đầy đủ hơn; Cần bổ sung đầy đủ hơn về giải pháp đối với đê cũ và phương án sử dụng đất khi đề xuất xây dựng các đoạn đê mới…

Tại phần thảo luận có nhiều đại biểu nêu ý kiến, đại biểu (ĐB) Nguyễn Xuân Diên (tổ Ứng Hòa) kiến đề nghị cần đánh giá thêm tình hình phức tạp của chính bản thân các tuyến đê điều; đề nghị nếu mở rộng và nâng cấp mặt bằng đê có liên quan đến hành lang đất ven đê phải đánh giá nghiên cứu kỹ hơn về tình trạng lấn chiếm hành lang đê. “Hà Nội có nhiều thắng cảnh, di tích, trong đó có nhiều hồ ở khu vực Ba Vì, Mỹ Đức, rộng tới cả 1.000ha liên quan đến đê bối, do đó trong quy hoạch nên có tư duy dài hơi hơn về du lịch sinh thái, du lịch tâm linh” - ĐB Diên chia sẻ.

Theo ĐB Nguyễn Văn Phong (tổ Sóc Sơn) thì nên bổ sung nội dung giải pháp phối hợp cùng các tỉnh, thành có liên quan trong việc quy hoạch, thiết kế hệ thống đê. Trong thời gian qua, do tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến bão lũ thất thường. “Huyện Sóc Sơn, trong lịch sử 60 năm trở lại đây chưa bao giờ liên tiếp trong 10 ngày 2 lần lũ trên sông Công, sông Cầu trên báo động cấp 3. Do đó, phải đặt ra vấn đề thường xuyên cập nhật, dự báo, điều chỉnh trong quy hoạch đến tận năm 2050” - ĐB Phong cho biết.

Trong khi đó, ĐB Vũ Đức Bảo (tổ Long Biên) phân tích hiện trạng hệ thống đê khu vực phía nam sông Hồng, mặt đê hiện nay cơ bản đã xây dựng kín nhà cửa. Do đó, quy hoạch đê điều nên tính toán về lâu dài có giữ khu vực dân cư này không. Về phía bắc sông Hồng, cơ bản là xóm làng, nhà cửa lâu đời, nếu duy trì đê cũ rất ít tác dụng nên TP nên nghiên cứu, giải quyết tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh, sinh sống của người dân.

Cùng quan điểm với ĐB Bảo, ĐB Hoàng Công Khôi (tổ Hoàn Kiếm) cho rằng: “Hoàn Kiếm có 2,8km đê nằm ngoài sông Hồng, bao gồm 2 phường Chương Dương và Phúc Tân với tổng số dân là 35.000 người. Thực tế hiện nay, người dân sống trên địa bàn đang có nhu cầu xây dựng bảo đảm nhà ở, phát triển kinh tế bảo đảm cuộc sống gia đình. Nhu cầu này là hết sức bức thiết. Nhiều năm nay chúng ta có chủ trương nhưng chưa hoàn thành quy hoạch chi tiết của vùng ngoài đê. Do hệ thống thủy điện, mực nước trong nhiều năm nay rất cạn. Bãi giữa sông Hồng hiện chiếm nửa sông Hồng, trong mùa cạn có thể lội qua được. Khi Bộ GTVT triển khai dự án đê 401, thực tế đây trở thành trục giao thông quan trọng của TP từ bắc xuống nam. TP cũng đã có chủ trương quy hoạch lại khu đô thị ven sông Hồng”. Do đó, ĐB Khôi đề nghị chọn phương án không nên coi đê bên trong là đê chính để kiên cố hóa vừa tốn kém vừa gây bức xúc cho người dân mà nên tổ chức một đê ở phía ngoài, tạo ra quy hoạch để người dân bảo đảm cuộc sống và quy hoạch lâu dài cho TP ven sông.

 
ĐB Nguyễn Huy Việt (tổ Gia Lâm) phát biểu ý kiến
ĐB Nguyễn Huy Việt (tổ Gia Lâm) phát biểu ý kiến.
Trước những ý của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt cho biết, đối với các tuyến đê Tả, Hữu sông Hồng đoạn qua đô thị trung tâm, trong quy hoạch nghiên cứu đã đề xuất 2 phương án, trong đó đã chọn phương án xây dựng, cải tạo, nâng cấp đê Bối để bảo vệ dân cư vùng bãi, các làng nghề và phát triển KT-XH trên đoạn sông Hồng đi qua khu vực đô thị trung tâm.

Sau thảo luận, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch đê điều trên địa bàn TP Hà Nội đến năm đê điều đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua với tỷ lệ 83,2% đại biểu án thành.

* Cũng trong chiều nay, HĐND TP Hà Nội đã thông qua 3 nghị quyết: Nghị quyết về Quy hoạch phát triển thể dục thể thao thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết về chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND TP năm 2014 và Nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND thành phố năm 2014.