KTĐT - Hải bị đuổi ra phòng khách. Lan nằm trong phòng ngủ, cửa khóa trái. Hải đành “bó tay.com” mấy ngày trời. Thấy biện pháp “cấm vận” hiệu quả, Lan thường xuyên sử dụng, khi thì muốn cái áo thời trang, lúc “thèm” cái ví màu mới...
Không thể phủ nhận là thời gian đầu, giải pháp này mang lại hiệu quả, bởi các ông chồng rất sợ bị “bỏ đói”. Tuy vậy, “cấm vận” không phải là “vũ khí” có thể “xài” thoải mái. Nếu lạm dụng, không những mất hiệu lực mà còn gây những hậu quả đáng buồn.
Hồi còn yêu nhau, Lan được người yêu nâng như nâng trứng. Bất cứ thứ gì cô muốn, Hải đều răm rắp chiều chuộng. Như bất kỳ cô gái xinh đẹp nào khác, Lan rất thích diện quần áo đẹp, dùng đồ hàng hiệu… dù mức lương của một nhân viên hành chính không cao. Trong khi đó, do thu nhập hàng tháng tính bằng “đô”, nên việc làm vui lòng người yêu luôn là niềm vui của Hải. Mỗi khi đi qua cửa hàng thời trang, thấy Lan mê mẩn trước một bộ váy đẹp, hay một đôi giày mốt mới… Hải luôn sẵn sàng mở hầu bao.
Song, sau khi cưới, trong mắt Lan, dường như Hải trở thành “lão hà tiện”. Một buổi tối, trước khi “vào cuộc”, Lan nhõng nhẽo vòi Hải hai triệu đồng để mua bộ váy hàng hiệu: “Để mấy đứa bạn của em lác mắt” - Lan thỏ thẻ. Cô tưởng chồng vui vẻ đồng ý như hồi còn yêu nhau, nhưng Hải thẳng thừng từ chối với lý do quần áo của Lan đã quá nhiều, không cần phải sắm thêm. Vả lại, bây giờ phải dành dụm tiền để mua nhà chứ không thể ở mãi nhà thuê. Rồi còn phải lo con cái sau này… Mặc dù Hải có lý, nhưng Lan có cảm giác mình không được chồng nâng niu chiều chuộng như trước. Cô vùng vằng quay lưng, úp mặt vào tường. Hải đưa tay kéo vợ, bị Lan xô ra: “Để tôi yên!”. Biết là có dỗ dành cũng chẳng “xơ múi” gì, Hải đành ngủ “chay”. Liên tiếp những ngày sau, Lan cương quyết “cấm sờ hiện vật”. Hải bức xúc quá nên sang ngày thứ năm thì “đầu hàng”. Lan sung sướng “chiều” chồng tận tình.
Một tuần sau, đi làm về, Lan nũng nịu: “Hôm nay em thấy cái túi xách cực đẹp mà giá chỉ có triệu rưỡi! Chồng yêu ơi, nếu không có nó, chắc em không ngủ được!”. Hải khoát tay: “Em có cả chục cái túi xách rồi. Mua làm gì nữa cho chật tủ?”. Lan ỉu xìu, ngúng nguẩy bỏ đi: “Sao bây giờ anh ki bo thế?”.
Tối hôm đó, Lan lại “thiết quân luật”: Hải bị đuổi ra phòng khách. Lan nằm trong phòng ngủ, cửa khóa trái. Hải đành “bó tay.com” mấy ngày trời. Thấy biện pháp “cấm vận” hiệu quả, Lan thường xuyên sử dụng, khi thì muốn cái áo thời trang, lúc “thèm” cái ví màu mới...
Tâm sự với anh bạn thân, Hải buồn rầu: “Hễ mình không cho tiền là cô ấy “cấm vận”. Khi mình chịu chi thì cô ấy mới “chiều”, y như quan hệ trao đổi vậy! Nhưng mà thu nhập có hạn. Mấy tháng nay mình chẳng dành dụm được đồng nào. Chán thật!”. Anh bạn kia to nhỏ khuyên Hải: “Cứ thế, cứ thế”. Nghe xong, Hải giãy nảy: “Không được!”. Một hôm, Lan “soạn bổn cũ” để “tậu” đôi giày hiệu: “Chỉ có 119 đô thôi mà anh!”, thì Hải hết chịu nổi. Anh tuyên bố nếu Lan cứ tiếp tục như vậy, sẽ thực hiện biện pháp “ăn phở” như bạn bè. Thấy chồng nói rất nghiêm túc, Lan ngớ ra…
Phương, cô bạn thân của tôi, kể: “Một dạo, hễ có chuyện bực mình là tớ “cấm vận” ông xã. Ví dụ như đã hẹn nhau chiều thứ bảy đi ăn nhà hàng mà lại mải mê với đám bạn nhậu hoặc đã hứa sẽ đón con mà quên, hay có khi, chỉ đơn giản là vợ chồng tranh luận, bất đồng về chuyện gì đó… Buổi tối, tớ thường đặt giữa giường một cái chăn mỏng làm ranh giới “phân chia lãnh thổ”, chồng đừng hòng lấn qua! Mỗi khi lão định “vi phạm” là tớ đạp cho một cái rõ đau, khi nào hứa không tái phạm, sẽ hoàn thành các nhiệm vụ được giao… tớ mới gỡ bỏ lệnh cấm vận. Mấy lần áp dụng, thấy hiệu quả, tớ sướng lắm. Ai dè, biện pháp ấy nhanh chóng mất hiệu lực. Bởi vì, đâu chỉ mình vợ có thứ ông chồng cần? Thiếu gì cô sẵn sàng “cho không biếu không” vì chồng mình đẹp trai, tài giỏi. Thế là, sau nhiều lần bị “phạt”, ông ấy đi tìm cách thỏa mãn cảm xúc ở chỗ khác. Đến khi bị tớ phát hiện, ông ấy tỉnh bơ tuyên bố: “Cô tước quyền làm chồng của tôi, thì tôi phải đi “mèo mỡ” bên ngoài, còn trách gì nữa!”. Đến lượt tớ khóc lóc, năn nỉ xin “chừa” trò “cấm vận”. Cũng may là ông ấy còn yêu vợ, thương con nên mới chịu quay về. Suýt nữa thì tan nát gia đình”.
Vợ chồng chị Thu anh Dũng còn trẻ, khỏe mạnh nên “giao ban” thường xuyên. Song, từ ngày chị lên chức trưởng phòng, công việc lu bu không chỉ ở công ty mà còn phải mang về nhà làm. Đến khi lên giường thì mắt đã díp lại, chồng có lại gần chị cũng đẩy ra, gắt gỏng, cau có, thế là chồng tự ái. Chị tự nhủ, sau khi xong đợt cao điểm công việc sẽ “đền”. Thế nhưng khi việc hòm hòm, nhiều tối, chị đánh thức chồng thì anh quay đi, nói là mệt. Lúc đó, chị chỉ nghĩ là anh tự ái, giận dỗi, nên ra sức chăm sóc chồng chu đáo để “hòa bình” lập lại. Ai dè, một hôm, anh thú thật, do bị “đói” quá, anh đã ra ngoài “ăn vụng”. Thói đời, ăn vụng bao giờ cũng ngon nên đâm nghiện. Tệ hơn là bây giờ, “cô ấy” của anh lỡ dính bầu. Anh không thể phủi tay. Nếu chị chấp nhận để anh chu cấp cho vợ hờ, anh sẽ vẫn là chồng chị. Ngược lại, anh chấp nhận ly hôn để đến với người phụ nữ kia. Quá bất ngờ, chị ngồi câm lặng như hóa đá. Không ngờ hậu quả của “cấm vận” lại cay đắng thế.
Theo bà Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm Tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên, các bà vợ không bao giờ được dùng biện pháp “cấm vận” với chồng. Vài lần đầu bị vợ cấm vận, các ông chồng thường tỏ ra nhún nhường, yêu chiều. Song, dần dần họ sẽ ức chế khi nghĩ vợ coi “chuyện đó” như một thứ ân huệ ban phát và phải chịu nhún mới được hưởng. Nhiều ông chồng quay sang bất cần, có khi tìm cách giải tỏa bên ngoài. Cũng có người dùng chiêu lạnh nhạt như một sự trừng phạt trở lại vợ, tình cảm vợ chồng vì thế mà xa cách, quan hệ của hai người có thể sẽ rạn nứt và hôn nhân có thể đứng trước nguy cơ tan vỡ.