Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hồng Kông: Biến bất lợi quá khứ thành sức mạnh tương lai

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dưới những ngọn núi nhìn ra khu tài chính sầm uất của Hồng Kông (Trung Quốc), ít ai biết rằng đang tồn tại một đường hầm khổng lồ, với chiều cao gần gấp đôi chiếc xe buýt 2 tầng, đã góp phần cứu TP khỏi thảm cảnh lũ hoành hành trong hàng thập kỷ. Rồi biến đổi khí hậu diễn ra, buộc Hongkong không thể tự mãn...

Đường hầm thoát nước khổng lồ phía Tây TP Hồng Kông.
Được hoàn thành trong hơn 5 năm, bắt đầu từ năm 2007, đường hầm thoát nước dài 10,5km ở phía Tây Hồng Kông đã giải quyết được một vấn đề cơ bản nhưng cấp, mà hầu hết TP nào ở châu Á cũng phải đối mặt - mưa. Theo Cục Dịch vụ thoát nước TP (DSD), lượng mưa ở Hồng Kông vào khoảng 2.400mm mỗi năm, với 80% số đó trút xuống chỉ trong vài tháng.
Thiết thực là vậy, nhưng để xây dựng được mạng lưới thoát nước ngầm ở một trong những đô thị dày đặc nhất thế giới này là điều không hề dễ dàng. Thực tế đảo Hồng Kông đã bị cắt ngang bởi các đường hầm phục vụ hệ thống tàu điện ngầm của TP, cùng nhiều con đường xuyên qua núi non.
Do đó, đường hầm thoát nước khổng lồ đã được bố trí chạy xuyên qua những ngọn đồi phía sau TP, nằm sâu dưới bề mặt đường phố chưa đầy chục mét. Đây cũng là lý do mà cư dân của TP, những người đang được mạng lưới bảo vệ tính mạng mỗi mùa mưa, lại khó có thể nhận ra sự hiện diện của đường hầm khổng lồ.
Các kỹ sư cũng đã phải đắp một mặt đất ít bền vững phía trên để ngăn nước thấm qua, tránh gây sập các bộ phận của đường hầm. Trong khi để xây dựng các cửa hầm - đường ống và lối vào dẫn đến cống chính - mà không gây ra quá nhiều gián đoạn ở cấp đường phố, các kỹ sư quyết định khoan thông tạm thời để rút sỏi, cũng như các mảnh vụn khỏi mạng lưới ngầm.
Ngay cả vào những ngày trời khô ráo, đường hầm cũng có nước, từ trong núi ở gần đó chảy vào. Khác xa với mùi cống rãnh hôi thối thường thấy, nước trong đường hầm thậm chí được mô tả phảng phất mùi thơm. Cửa ra được bố trí trông giống như một thác nước nhân tạo từ các bậc bê tông - được thiết kế để làm chậm dòng chảy.
Nước chảy vào một cửa hầm.
Thay đổi quá khứ tồi tệ
Mùa hè ở Hồng Kông được mô tả là thử thách thực sự cho tình yêu TP của mọi cư dân. Nóng và ẩm một cách ngột ngạt, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9, để rồi nhiệt độ cao chỉ có thể được xua tan bởi mưa bão. Chính vào lúc này, TP phải chịu những trận mưa như trút, biến những chiếc ô trở trở nên vô dụng.
Hồng Kông có một hệ thống cảnh báo được mã hóa màu cho mưa bão, từ vàng hổ phách đến đen, do Đài quan sát ban hành và gửi đến hàng triệu điện thoại di động của người dân TP. Toàn bộ văn phòng và trường học sẽ đóng cửa một khi trận mưa được cảnh báo màu đen, với lượng nước hơn 70mm/giờ.
Hiện mưa màu đen ở Hồng Kông chỉ có thể gây ra lũ nhỏ - chủ yếu do khả năng thấm hút kém của đường nhựa và bê tông - chính nhờ các đường hầm ngầm khổng lồ. Và điều này là bước tiến không tưởng nếu so với quá khứ lũ lụt tồi tệ nơi đây.
Theo Đài quan sát Hồng Kông, 5% dân số của TP khi đó, tương đương 15.000 người, đã phải bỏ mạng trong cơn bão lịch sử vào tháng 9/1906. Trong những năm 60 và 70, Hồng Kông chịu thiệt hại hàng trăm người do lốc xoáy nhiệt đới. Hàng nghìn người mất nhà cửa vì lũ lụt, và TP phải chi hàng triệu USD cho việc sửa chữa thiệt hại mỗi năm. Đô thị hóa nhanh chóng lại càng làm cho lũ lụt trở nên tồi tệ hơn, khi lượng lớn mặt đất tự nhiên được trải nhựa, hoán đổi cỏ và bùn thành bê tông, khiến nước mưa tích tụ thành vũng hoặc tệ hơn là gây ra lũ lụt.
Trận lụt nghiêm trọng tại Hồng Kông vào ngày 7/6/2008, sau khi 145mm mưa trút xuống TP trong 24 giờ.
Kể từ năm 1995, chính quyền đặc khu hành chính đã chi khoảng 3,8 tỷ USD cho nhiều dự án khác nhau, bao gồm lắp đặt 2.400km cống rãnh, 360km các kênh sông, 4 đường hầm ngầm rộng lớn trải dài 21km, và 4 bể chứa nước mưa. 11 bể chứa khác hiện vẫn đang được xây dựng.
Đường hầm thoát nước phía Tây Hồng Kông là hệ thống lớn nhất trong mạng lưới kể trên, chạy gần hết chiều dài của đảo Hồng Kông, qua các quận tài chính sầm uất Admiralty và Central, đến quận Cyberport trên bờ biển phía Tây. Tại nơi rộng nhất, đường hầm có đường kính lên tới 7,25m.
Các giải pháp khác nhau được thiết kế riêng cho mỗi quận ở Hồng Kông. Trong khi làng mạc và thị trấn ở nông thôn có thể được bảo vệ chỉ bằng các con đê và kênh đào để chuyển hướng hoặc lưu trữ nước tạm thời, thì các khu vực đô thị bê tông kiên cố lại đòi hỏi công trình kỹ thuật chuyên sâu hơn. Tuy nhiên, tựu trung là đều hướng đến việc dẫn nước mưa ra khỏi các khu vực dễ bị tổn thương, và cuối cùng đưa nó trở lại đại dương. Kết quả, số lượng các điểm đen lũ lụt ở Hồng Kông đã giảm từ 126 điểm vào năm 1995, đến nay chỉ còn 5 điểm.
“Chẳng cần băn khoăn về việc liệu tất cả những điều này có đáng tiền hay không, nhất là trong bối cảnh lũ lụt ở miền Nam Trung Quốc (đại lục) đã dẫn đến thiệt hại kinh tế hơn 2,9 tỷ USD chỉ trong tháng 6 vừa qua”, kỹ sư cấp cao của DSD Richard Leung đánh giá về bộ giải pháp chống lũ gần 4 tỷ USD của Hồng Kông.
Thêm chiến thuật cho tương lai
Sau khi TP bị tàn phá nặng nề bởi cơn bão Mangkhut vào năm 2018, cán bộ khoa học cấp cao của Đài thiên văn Hồng Kông Ping-Wah Li dự báo về hiện tượng mưa từ lốc xoáy nhiệt đới gia tăng. “Mực nước biển sẽ tiếp tục dâng cao, làm tăng nguy cơ nước dâng do bão và ngập lụt ven biển… do sự nóng lên toàn cầu”, vị chuyên gia nói với CNN.
Siêu bão Mangkhut đổ bộ Hồng Kông vào ngày 16/8/2018.
Trong khi giáo sư kiến trúc Edward Ng tại ĐH Hồng Kông, nhận định rằng, bên cạnh các giải pháp đã được thực hiện để tăng cường sức chống chọi mùa lũ, Hồng Kông vẫn cần thêm hàng trăm triệu USD để bảo vệ bờ biển đúng cách.
“Tiêu chuẩn thiết kế dựa trên lịch sử lũ lụt của Hồng Kông có thể đối phó với những gì đã xảy ra 30 năm trước, nhưng không phải với những gì sẽ xảy ra trong 50 năm tới”, ông Edward nói.
Đồng quan điểm, kỹ sư DSD Richard Leung cũng cảnh báo TP không còn được phép tự mãn, khi khả năng phòng thủ hiện tại của Hồng Kông có thể bị phá vỡ trong tương lai. Do đó, cùng với việc tiếp tục với các công việc kỹ thuật như xây dựng đường hầm cũng như bể chứa, ông Leung tin rằng việc điều chỉnh thiết kế và kiến trúc của TP lúc này có thể giúp chống lại các rủi ro của biến đổi khí hậu về lâu dài.
Những giải pháp thiết kế đó có thể bao gồm “mặt đường xốp”, “vườn mưa” hay “mái nhà xanh”… để tạo thành cái gọi là “thành phố bọt biển” đã được thử nghiệm thành công ở một số TP tại Trung Quốc đại lục. Về cơ bản, tất cả những mô hình này đều có thể giúp đô thị hấp thụ tốt lượng mưa.
Đặc biệt, kỹ sư DSD nhấn mạnh rằng ngoài việc chỉ chặn và chuyển hướng dòng nước, Honkong cần có nhiều chiến thuật hơn để lưu trữ, thanh lọc và tái sử dụng nó, giúp giảm áp lực lên các nguồn nước hiện có. Thực tế tại Hồng Kông, chỉ một số ít nước mưa được thu thập và tái sử dụng để vệ sinh và tưới tiêu, còn phần lớn vẫn đổ xuống biển - tình trạng “cay đắng” cho một TP đang phải nhập khẩu hơn 70% nước ngọt từ Trung Quốc đại lục.
Với nhiệt độ trái đất ngày một tăng lên, có khả năng dẫn đến tình trạng mất an ninh nước sạch lớn hơn trên toàn thế giới, Hồng Kông được cho cần làm nhiều hơn nữa với nước mưa, khai thác tiềm năng từ chính bất lợi của mình.
“Trước đây chúng tôi chỉ tính việc thoát được lượng nước lớn bao nhiêu, nhưng giờ đây chúng tôi đang bàn về việc sử dụng nước càng nhiều càng tốt”, kỹ sư Leung nói, “chúng tôi không biết chính xác nước thay đổi như thế nào, nhưng biết chắc rằng khí hậu đang thay đổi, vì vậy chúng tôi phải chuẩn bị”.