Việc miễn visa du lịch là một trong những điều kiện trong thỏa thuận giải quyết làn sóng di cư giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU. Trước đó, vào tháng 3, EU và Ankara đã nhất trí quá trình xem xét để Ankara trở thành thành viên EU sẽ được tăng tốc, khoản tiền hỗ trợ người tị nạn tăng gấp đôi lên 6,8 tỷ USD và miễn thị thực đi lại cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ đến khu vực Schengen ở châu Âu từ 1/7. Đổi lại, Ankara phải nhận trở lại người bị bác đơn tị nạn ở EU từ tháng 6/2016, đồng thời kiểm soát tốt hơn đường bờ biển của nước này và chống lại các đường dây buôn người.
Tuy nhiên, theo các quan chức châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thực hiện đầy đủ tất cả các điều kiện quy định của Ủy ban châu Âu (EC) về thỏa thuận thị thực, bao gồm thay đổi luật chống khủng bố của Ankara nhằm đáp ứng mối quan tâm của EU về nhân quyền. Hôm 11/6, Bộ trưởng Nội vụ châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik đã chính thức thừa nhận, hạn chót để EU miễn visa du lịch (1/7) sẽ bị bỏ lỡ trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên đài truyền hình Hà Lan NOS. Đáp lại động thái này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ra “tối hậu thư”, yêu cầu việc miễn thị thực phải được hoàn thành chậm nhất vào tháng 10 năm nay. Nếu không, Ankara sẽ hủy bỏ thỏa thuận nhập cư với EU. Thời gian gần đây, quan hệ giữa EU và Ankara đã không được “êm xuôi”. Theo quan điểm của ông Erdogan, chính sách EU đang áp dụng là chính sách “kiêu ngạo” vì chỉ trích luật chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo người đứng đầu Ankara, EU đã cản trở Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện quyền tự bảo vệ mình. Đầu tháng 5, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schultz đã có những tuyên bố cứng rắn đối với Thổ Nhĩ Kỳ khi cáo buộc nước này vi phạm tự do ngôn luận. Mâu thuẫn giữa Nghị viện châu Âu với Ankara đã gia tăng sau vụ tòa án Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/5 quyết định kết tội 2 nhà báo tiết lộ bí mật quân sự do đăng tải phóng sự về việc Ankara cung cấp vũ khí cho các lực lượng IS tại Syria. Sự bất đồng này đe dọa sẽ làm đổ vỡ thỏa thuận và ảnh hưởng đến việc giải quyết khủng hoảng di cư ở Lục địa già. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, châu Âu vẫn rất cần Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết làn sóng di cư. Một loạt quan chức hàng đầu của châu Âu đã lên tiếng ủng hộ thỏa thuận này. Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans cho rằng, thỏa thuận giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ là hoàn toàn hợp lý. Quan điểm này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Thủ tướng Đức Angela Merkel khi cho rằng thỏa thuận với Ankara “là cần thiết cho dù còn nhiều khó khăn”. Hồi cuối tháng 4/2016, Chính phủ Đức đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Erdogan bằng hành động cụ thể là đến thăm trại Nizip dành cho người di cư ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đang vấp phải bất đồng. |