Kinhtedothi - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã trao giấy phép thành lập cho Công ty CP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities) trên cơ sở hợp nhất 2 công ty chứng khoán (CTCK) là Công ty CP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) và Công ty CP Chứng khoán Đại Dương (OSC). Đây là một động thái quyết liệt nhằm thực hiện quá trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam.
Điểm nhấn của quá trình tái cấu trúc
Trường hợp hợp nhất CTCK trên là lần thứ hai trên TTCK sau thương vụ giữa CTCK MBS và VITS). Lần hợp nhất này được chú ý bởi đây không phải là phép cộng của 2 pháp nhân trên TTCK mà mang tính tái cơ cấu rất lớn. VISecurities có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, còn của OSC là 135 tỷ đồng. Nhưng sau hợp nhất, CTCK mới chỉ có vốn điều lệ 60 tỷ đồng. Khoản vốn điều lệ sụt giảm là để làm sạch lỗ lũy kế của các CTCK trước hợp nhất.
Về phía cơ quan quản lý, ông Vũ Bằng - Chủ tịch UBCK nhận định, việc hợp nhất 2 CTCK với mục tiêu quan trọng sau sáp nhập là nhằm hoạt động hiệu quả, quản trị an toàn tài chính, quản trị rủi ro tốt. Với TTCK, đây là một kinh nghiệm tốt và là điểm nhấn của quá trình tái cấu trúc CTCK.
Trước đây, trong giai đoạn 2007 - 2010, TTCK bùng nổ với hàng trăm CTCK được thành lập. Dù đã có nhiều cảnh báo từ kinh nghiệm của TTCK trong khu vực như Đài Loan, Thái Lan, song nhiều nhà đầu tư (NĐT) vẫn bỏ vốn ra thành lập CTCK bởi thời điểm đó, cổ phiếu nào cũng gấp vài lần mệnh giá, nên có giấy phép trong tay, NĐT đã thu lợi lớn. Sự tụt dốc của thị trường những năm sau đó cùng hàng loạt yếu kém của CTCK trong hoạt động đã để lại hậu quả nặng nề. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020, trong đó đặt ra yêu cầu tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo hướng giảm số lượng công ty, tăng quy mô hoạt động và tăng năng lực tài chính.
Tự cơ cấu - quy luật tất yếu
Yêu cầu pháp lý cộng với thực tế vận động trên thị trường đã buộc các CTCK phải tự tái cấu trúc như giải thể, mua bán - sáp nhập (M&A)... UBCK đã chấp thuận giải thể 3 CTCK, thu hồi giấy phép của một công ty, đặt 14 công ty vào diện kiểm soát. Từ 105 CTCK, hiện chỉ còn 80 CTCK đủ điều kiện hoạt động. Số CTCK có hoạt động thực sự, có nguồn thu và có lãi được ước tính chỉ khoảng vài chục đơn vị. Điều này cho thấy, sẽ có thêm nhiều thương vụ hợp nhất hoặc giải thể CTCK sắp diễn ra. Vấn đề phức tạp nhất trong tái cấu trúc các CTCK là việc làm "sạch" những tổ chức này. Nhiều CTCK hiện đang gánh "cục nợ" khó đòi, lỗ lũy kế lớn, giấy tờ sổ sách không đầy đủ… Có những CTCK như SME, Trường Sơn… vẫn còn tồn tại dù thực tế không còn hoạt động; lãnh đạo một số CTCK bị bắt giam vì vi phạm pháp luật… Những CTCK này không thể giải thể được vì còn nhiều nghĩa vụ phải thực hiện… Ngay những CTCK tự nguyện giải thể như Sao Việt, Chợ Lớn, Âu Việt… vẫn chưa thể hoàn tất các thủ tục để trả tiền cho cổ đông và xóa tên trên thị trường. Điều này cho thấy, quá trình tái cấu trúc CTCK phải được làm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn.
Một phiên giao dịch tại Trung tâm giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ
|