Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hợp sức từ ba phía

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Du lịch (DL) có trách nhiệm chính là việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường, di tích lịch sử khỏi bị xâm hại bởi những người làm DL. Đây là một trong những mục tiêu đang được nhắm tới khi phát triển du lịch tại Việt Nam - nơi có nhiều tiềm năng khi kết hợp di sản với DL.

Thực trạng đáng buồn

Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao khi một người nông dân ở Mộc Châu (Sơn La) gửi tâm thư đề nghị khách DL nên có ý thức bảo vệ mùa màng của người dân. Là bởi một bộ phận du khách vì muốn có bức ảnh đẹp đã vô tư giẫm lên những cánh đồng hoa màu. Đây không phải là lần đầu tiên, người dân, cơ quan quản lý lên tiếng về sự thiếu ý thức trong hoạt động DL. Chẳng nói đâu xa, cuối tháng 10/2013, một nhóm du khách đến tham quan Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình) đã tự ý lên nhà sàn cổ của quan Lang Mường đốt lửa nướng ngô, khiến căn nhà có lịch sử trăm năm tuổi cùng nhiều hiện vật  lịch sử cháy rụi.

 
Du khách quốc tế trong tour trải nghiệm tại Khu du lịch sinh thái Hội An. Ảnh: Hoài Nam
Du khách quốc tế trong tour trải nghiệm tại Khu du lịch sinh thái Hội An. Ảnh: Hoài Nam
Bên cạnh những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, không ít du khách thiếu ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ thiên nhiên, di tích lịch sử. Điển hình là Tháp Bút bên Hồ Gươm nhằng nhịt chữ ký của du khách, bất chấp địa điểm này đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Ngay cả Văn Miếu - Quốc Tử Giám dù đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới và được bảo vệ cẩn thận nhưng vẫn "mệt" vì khách DL sờ đầu rùa để cầu may, ngồi lên bia TS để chụp ảnh. Mới đây, Bộ TN&MT cũng cảnh báo việc tàu DL xả rác thải làm ô nhiễm vịnh Nha Trang, ảnh hưởng đến cảnh quan nơi đây…

Phải nói rằng, ngoài sự thiếu ý thức của du khách, sự lỏng lẻo trong quản lý đã gây tác động tiêu cực đến di sản. Ông Phạm Trung Lương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển DL Việt Nam cho rằng: Có tình trạng này là do ngành DL chưa xây dựng chiến lược đánh giá, phân loại, từ đó khai thác bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, lịch sử. Điều đó dẫn tới việc khai thác theo bề nổi, sai mục đích, chưa phát huy giá trị của tài nguyên, dẫn đến đe dọa sự phát triển DL bền vững.

Đi đường nào?

Tổng cục DL dự kiến đến năm 2020, Việt Nam đón 11 - 12 triệu lượt khách quốc tế, 48 triệu lượt khách nội địa. Rõ ràng, để đạt được con số này, ngành DL phải có biện pháp bảo vệ môi trường, di tích lịch sử làm "điểm tựa" để thu hút khách. Tại Hội thảo về phát triển DL có trách nhiệm mới đây, các đại biểu đã khẳng định, DL có trách nhiệm không phải là một sản phẩm cụ thể, mà chính là người làm DL, đi DL và hưởng lợi từ DL thể hiện trách nhiệm với môi trường, cộng đồng và xã hội.

Đồng tình với quan điểm này, ông Mai Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết: Trong những năm gần đây, ngành DL Hà Nội đã chú trọng phát triển DL có trách nhiệm bằng cách nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp, du khách trong việc bảo vệ môi trường, di tích lịch sử. Những hoạt động này được lồng ghép trong các loại hình DL như: DL cộng đồng, sinh thái… qua đó bảo tồn tài nguyên và lôi kéo cộng đồng cùng tham gia và hưởng lợi. Bên cạnh đó, Hà Nội còn đẩy mạnh việc sử dụng ô tô điện trong khu vực phố cổ nhằm giảm thiểu ô nhiễm… Doanh nghiệp DL cũng đưa vào chương trình những tour gồm: Hoạt động bảo vệ môi trường như đạp xe, thu gom rác thải… 

Không chỉ có Hà Nội mới "nhắm" vào loại hình DL này, nhiều địa phương đã triển khai nhiều tour gắn với thiên nhiên như  DL homestay ở Sa Pa (Lào Cai) và Cù Lao Chàm (Quảng Nam), DL sinh thái trên Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), thăm làng rau Trà Quế (Hội An)… Những tour DL này đã nâng cao ý thức của du khách, đồng thời mở hướng kinh doanh mới cho dân địa phương.

Dẫu vậy, để phát triển mạnh hướng DL này, vẫn cần sự chung tay của "ba phía". Cơ quan quản lý cần xây dựng chính sách khuyến khích các hoạt động DL tình nguyện, có trách nhiệm cao với môi trường, cảnh quan. Về phía doanh nghiệp: Tăng cường tổ chức các sản phẩm DL, hướng dẫn du khách thực hiện DL có trách nhiệm. Về phía du khách cần tìm hiểu, tuân thủ các tập tục địa phương, lựa chọn các doanh nghiệp có tôn chỉ hướng đến phát triển DL bền vững, có trách nhiệm và sẵn sàng tham gia các hoạt động vì môi trường.