HoREA vừa có văn bản đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành chính sách "tín dụng tạo lập căn nhà đầu tiên" cho giới trẻ theo phương thức tín chấp để mua nhà.
“Giới trẻ mới lập gia đình, mới lập nghiệp đang có xu thế sống tự lập và có nhu cầu tạo lập "căn hộ nhỏ". Khảo sát cho thấy cứ sau mỗi 10 năm, đa phần người trẻ có thu nhập tăng gấp đôi. Chính vì vậy, đầu tư cho giới trẻ gần như có rất ít rủi ro. Nhiều nước trên thế giới cũng đang cho giới trẻ vay tín dụng theo hình thức tín chấp để mua nhà, đóng học phí”, ông Lê Hoàng Châu phân tích.
Cũng theo ông Châu, bên cạnh đó việc giới trẻ có nhà riêng sẽ kéo theo nhu cầu gia tăng về trang thiết bị, hàng hóa và nhiều loại dịch vụ khác kích thích nền kinh tế phát triển. Từ "căn hộ nhỏ" ban đầu sẽ chuyển đổi qua các căn lớn hơn trong tương lai do thu nhập tăng thêm.
Hiệp hội cũng chỉ ra đối với phân khúc nhà ở thương mại, loại căn hộ từ 1 - 2 phòng ngủ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội vẫn là chủ đạo, đáp ứng nhu cầu thực của đa số người tiêu dùng, tuy nhiên nguồn cung lại khan hiếm. Nếu có chính sách và cơ chế phù hợp thì phân khúc này sẽ phát triển mạnh, vừa là trụ cột và đảm bảo sự ổn định của thị trường, vừa đảm bảo an sinh xã hội.
Về gói tín dụng cho nhà ở xã hội, HoREA cho biết Hiệp hội rất hoan nghênh Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư cân đối thêm 3.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, trong đó, 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 2.000 tỷ đồng cho 4 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.
Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị phát triển nhà ở xã hội đảm bảo an sinh xã hội, sau khi đại dịch Covid-19 qua đi, để tạo cú huých phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực của cán bộ, công chức viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân, lao động, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư…