HoREA tuyên chiến nạn “loạn” danh xưng gây nhầm lẫn cho khách hàng
Theo HoREA, trong nhiều năm qua, trên thị trường bất động sản, đã xuất hiện tình trạng "loạn" danh xưng "chung cư cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ siêu sang", kể cả bằng tên nước ngoài gắn với các cụm từ như "Luxury", "Hi-end", "Premier", "Royal"... được một số chủ đầu tư sử dụng tràn lan, coi đây là một thủ thuật "câu khách", quảng bá sản phẩm. Trên thị trường, thực tế chỉ có một số không nhiều dự án bất động sản đạt chuẩn cao cấp, hoặc đạt chuẩn "khu đô thị kiểu mẫu", đảm bảo chất lượng và đẳng cấp về quy hoạch dự án, thiết kế căn hộ, các tiện ích và dịch vụ.
Nhiều dự án bất động sản, chung cư cao tầng, căn hộ được chủ đầu tư "tự phong" dự án cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ siêu sang, nhưng chưa hề được Sở Xây dựng hoặc đơn vị đánh giá độc lập công nhận. Các chủ đầu tư này đã cung cấp thông tin sai lệch, vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm tại Khoản 13 Điều 6 Luật Nhà ở 2014 vì đã "cung cấp thông tin về nhà ở không chính xác, không trung thực, không đúng quy định hoặc không đúng yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền"; và cũng đã vi phạm các hành vi bị cấm tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 8 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 vì đã "Không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản" và đã có dấu hiệu "Gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản", làm cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn, bị lừa dối, dẫn đến bị thiệt hại về quyền lợi khi mua nhà.
Cũng theo HoREA, nhu cầu đặt tên dự án nhà ở, tên các thành phần trong dự án bằng tiếng nước ngoài là nhu cầu chính đáng của các chủ đầu tư, đáp ứng đòi hỏi của thị trường, nhưng cần chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Luật Nhà ở quy định tại Khoản 3 Điều 19 "Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các khu vực trong dự án phải được đặt tên bằng tiếng Việt; trường hợp chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại có nhu cầu đặt tên dự án bằng tiếng nước ngoài thì phải viết tên đầy đủ bằng tiếng Việt trước, viết tiếng nước ngoài sau. Tên dự án, tên các khu vực trong dự án phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định...". Luật Quảng cáo quy định 16 hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo. Trong đó, tại Khoản 9 Điều 8 quy định cấm "Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố"; và tại Khoản 11 Điều 8 quy định cấm "Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch".
Từ tình trạng “loạn” phân hạng tự phong, “loạn” sử dụng tên nước ngoài, HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 55 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 theo hướng chủ đầu tư dự án nhà chung cư hình thành trong tương lai chỉ được quảng cáo, tiếp thị để huy động vốn với danh xưng dự án "nhà chung cư cao cấp", "nhà chung cư hạng sang", "nhà chung cư siêu sang", "căn hộ cao cấp", "căn hộ hạng sang", "căn hộ siêu sang", sau khi đã được Sở Xây dựng có văn bản công nhận đạt tiêu chí này. Kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét đề xuất sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 98 Luật Nhà ở 2014 theo hướng giao cho Bộ Xây dựng quy định tiêu chí của "nhà chung cư cao cấp", "nhà chung cư hạng sang", "nhà chung cư siêu sang", "căn hộ cao cấp", "căn hộ hạng sang", "căn hộ siêu sang" để đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh của thị trường bất động sản và bảo vệ lợi ích chính đáng của người mua nhà (Không cần thiết "Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định việc phân hạng và công nhận phân hạng nhà chung cư").
Sử dụng tên nước ngoài nhìn từ 3 phía
Chỉ trong vòng 1 tháng qua, HoREA có đến 3 văn bản có cùng nội dung đề nghị chấn chỉnh tình trạng sử dụng tên nước ngoài, “loạn” phân hạng căn hộ chung cư… gửi cho Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND TP Hồ Chí Minh.
Ngày 15/11, trao đổi qua điện thoại với phóng viên báo Kinh Tế & Đô Thị, ông Lê Hoàng Châu cho biết, sở dĩ HoREA có một loạt các văn bản kiến nghị, thúc đẩy giải quyết vấn đề loạn danh xưng, phân hạng chung cư vì vấn đề không đơn giản chỉ là tên gọi mà tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại cho khách hàng. Đối với các các dự án bán nhà hình thành trong tương lai, khách hàng chỉ biết đến dự án qua tên gọi, phân hạng tự phong của chủ đầu tư chứ chưa có trên thực tế. Nếu không siết chặt vấn đề sử dụng tên gọi nước ngoài, phân hạng tự phong của chủ đầu tư sẽ dẫn đến tình trạng khách hàng bị nhầm lẫn, thậm chí bị lừa đảo….
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề vì sao không sử dụng tên Việt cho dự án bất động sản mà phải sử dụng tên tiếng Anh, chủ đầu tư một loạt các dự án bất động sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho biết: “Đây là điều anh em trong Công ty rất trăn trở từ trước đến nay”. “Bản thân tôi rất muốn sử dụng tên tiếng Việt cho dự án nhưng để tìm một từ tiếng Việt nào đó gãy gọn, xúc tích, mang đầy đủ ý nghĩa của dự án mà chủ đầu tư nhắm đến là việc không đơn giản. Không giống với tiếng Anh, đôi khi chỉ một từ đơn giản, ngắn gọn là đã toát lên được thần thái của dự án. Chẳng hạn tôi có dự án, có mặt tiền nhìn ra công viên, tôi sử dụng tên “Park view”, có nghĩa là ngắm nhìn công viên… là rất phù hợp và thời thượng. Trong khi sử dụng tên tiếng Anh rất ngắn gọn là Park view, để diễn tả cái tinh thần của dự án này tiếng Việt phải mất cả cụm từ. Hơn nữa, đa số khách hàng của các dự án bán căn hộ là khách hàng trẻ nên việc sử dụng tên tiếng Anh chắc cũng không gây nhầm lẫn, trừ trường hợp những tên tiếng Anh có tính chất khẳng định đẳng cấp, chất lượng…” – Vị giám đốc này cho biết.
Trong khi đó, cũng liên quan đến vấn đề này, một quan chức ngành xây dựng cho biết, hiện nay các quy định liên quan đến cấp phép xây dựng chỉ cấp phép dựa trên địa chỉ khu đất, mật độ xây dựng, quy mô dân số, phù hợp quy hoạch… chứ không cấp phép theo tên thương mại của dự án.