Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hungaria trưng cầu dân ý về hạn ngạch di cư: Tương lai mờ mịt

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Con số 43% cử tri đi bỏ phiếu đã khiến kết quả trưng cầu dân ý tại Hungaria về hạn ngạch phân bổ người tị nạn của Ủy ban châu Âu (EC) áp đặt cho các nước thành viên bị vô hiệu.

Tuy nhiên, việc có tới 98% người đi bầu đồng ý từ chối tiếp nhận người di cư cho thấy sự bất mãn của các nước thành viên đối với chính sách tiếp nhận người di cư của Liên minh châu Âu (EU).
 Cử tri Hungaria đi bỏ phiếu.
Theo kế hoạch phân bổ người tị nạn của EU, Hungaria là quốc gia tiếp nhận ít nhất với 1.294 người trong tổng số khoảng 160.000 người. Tuy nhiên, Chính phủ Hungaria vẫn không chấp nhận con số này và nhiều lần có những tuyên bố, hành động thể hiện rõ sự “đối đầu” với EU trong cách thức xử lý cuộc khủng hoảng người di cư. Trong nỗ lực ngăn chặn dòng người di cư, chính quyền của Thủ tướng Viktor Orban thậm chí còn sử dụng các biện pháp trấn áp mạnh tay với những người tị nạn trái phép. Quan hệ căng thẳng giữa chính quyền Budapest với Brussels là chuyện không mới, nhưng sự căng thẳng đang có dấu hiệu “tăng nhiệt” khi giới chức EU “chỉ trích” Hungaria tìm mọi cách chối bỏ trách nhiệm chia sẻ gánh nặng về người tị nạn với EU.
Trên thực tế, không chỉ có Hungaria bất mãn với chính sách này của EU, nhiều nước tại Trung và Đông Âu cho rằng, EC không nên thực hiện chính sách phân bổ người tị nạn vĩnh viễn dựa trên cơ chế cấp hạn ngạch cho các nước thành viên. Đồng thời khẳng định, những đề xuất mới của EC đang làm giảm ưu thế quyền lực của các nước thành viên. Trong khi đó, tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel cũng đang phải nếm “trái đắng” vì đã chủ trương tiếp nhận người di cư. Số phận chính trị của bà Merkel và đảng của bà đang phải trả giá đắt cho quyết định trên.
Bên cạnh việc gợi nhớ tới quyết định chấn động rời khỏi EU của cử tri Anh (Brexit) hồi tháng 6, những gì diễn ra tại Hungaria được cho là tiền lệ để các nước thành viên kích hoạt hành động tương tự, phủ quyết chủ trương chung của EU. Nếu kịch bản đó xảy ra, tôn chỉ thống nhất, đoàn kết giúp EU tồn tại suốt thời gian qua sẽ đổ vỡ. Và không ai dám chắc sau “cuộc ly hôn” lịch sử với Anh trong tương lai sẽ không tái diễn một cuộc chia tay nào nữa trong bối cảnh EU không còn là một liên minh mạnh về chính trị, kinh tế và an ninh.