Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hưởng BHXH một lần: Hệ lụy từ lợi ích trước mắt

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thay vì chờ đủ tuổi lĩnh lương hưu, số lao động đăng ký nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đang tăng lên trong những năm gần đây. Đây là tình trạng đáng báo động, dẫn tới tốc độ bao phủ BHXH hạn chế và về lâu dài ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Gia tăng tình trạng rút BHXH một lần
Chị Nguyễn Thuận An (công nhân khu công nghiệp Sài Đồng, quận Long Biên) đã đóng BHXH hơn 12 năm, hiện đang làm thủ tục hưởng BHXH một lần. Chị An cho biết, do sắp phải nghỉ việc vì không đáp ứng được yêu cầu của DN, nên chị muốn nhận BHXH một lần để có vốn mở cửa hàng kinh doanh. Theo chị, thời gian để được nhận lương hưu 20 năm là quá dài nên khó chờ đợi. Tương tự, chị Trần Vân Anh, làm công nhân da giày ở quận Hai Bà Trưng mới tham gia BHXH được 8 năm cũng xin rút “một cục” để về quê làm ruộng vì ở TP đồng lương không đủ chu cấp gia đình.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bảo hiểm xã hội Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải 
Còn bà Phan Thị Minh, làm nghề giúp việc ở khu đô thị Đại Kim (quận Hoàng Mai) cho biết, trước đây bà làm công nhân may mặc và tham gia BHXH được 6 năm, sau đó nghỉ việc ở công ty để đi giúp việc gia đình. Khi rời công ty, bà muốn tiếp tục được đóng BHXH để sau này hưởng lương hưu, nhưng không ai hướng dẫn, không biết đóng BHXH ở đâu. Vì vậy, bà không tham gia BHXH nữa, mà xin hưởng một lần.

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có hơn 13 triệu lao động tham gia đóng BHXH, chiếm 24% tổng số lao động. Bình quân mỗi năm có 628.000 người hưởng BHXH một lần. Nghĩa là cứ 2 người tham gia BHXH, thì 1 người rút ra khỏi hệ thống, đồng nghĩa với việc khó có thể hoàn thành mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH. Theo các chuyên gia, khi người lao động chọn rời xa quỹ hưu trí, hưởng BHXH một lần, có nghĩa là những người này sẽ bị loại khỏi lưới an sinh xã hội và không được hưởng lương hưu.

Đại diện BHXH Việt Nam cho biết, số người hưởng BHXH một lần chủ yếu là công nhân khu công nghiệp. Khi nghỉ việc hoặc mất việc làm, họ thường không đóng tiếp mà xin nhận BHXH một lần. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế này, trong đó có việc nhiều DN tìm cách "thải loại" công nhân nhiều tuổi để tránh đóng BHXH. Trong khi đó, quy định thời gian tham gia BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu 20 năm như hiện nay là quá dài, chưa hấp dẫn người lao động.

Khắc phục ngay những bất hợp lý

Bàn về vấn đề này, tại phiên thảo luận ở Hội nghị T.Ư 7 trong tuần qua, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn và đề nghị có giải pháp nhằm hạn chế tình trạng số người hưởng BHXH một lần ngày càng tăng, làm mất đi ý nghĩa của việc đóng BHXH cũng như ảnh hưởng đến cân đối quỹ. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường đề nghị: “Nên nghiên cứu tính toán quy định khi người lao động nhận trợ cấp một lần thì chỉ nhận phần người lao động đóng, còn phần Nhà nước hoặc người sử dụng lao động đóng thì không được nhận. Như vậy mới hạn chế người lao động xin hưởng bảo hiểm một lần”.

Đứng về phía người lao động, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng, muốn thu hút được người tham gia BHYT, ngành BHXH phải minh bạch số tiền người lao động đã đóng, bảo vệ an toàn, phát triển; từ đó, tạo niềm tin cho người lao động và họ sẽ tự nguyện tham gia BHXH. Còn Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đồng ý đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để giảm BHXH một lần. “Tôi cho rằng bản chất an sinh xã hội lo cho tính chất lâu dài, đây là chế độ dự phòng. Việc đóng này đảm bảo vấn đề an sinh xã hội lâu dài chứ không phải để người lao động rút ra” - ông Nhưỡng nói.

Phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu khẩn trương bổ sung, sửa đổi, khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, thực hiện chặt chẽ và đúng đắn hơn trong qui định hưởng BHXH một lần.

Để thực hiện kết luận của Tổng Bí thư, đòi hỏi ngành bảo hiểm, LĐTB&XH cùng các ngành chức năng sẽ phải có giải pháp tổng thể, căn cơ hơn để hạn chế tình trạng người lao động bỏ cuộc tham gia BHXH đến cùng để được hưởng lương hưu. Điều này vừa đảm bảo quỹ BHXH, vừa đảm bảo người lao động khi về già không trở thành gánh nặng của xã hội.