Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hướng đến ngành sản xuất vật liệu xây dựng xanh

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) có vai trò quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp và của ngành xây dựng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, lĩnh vực này cũng bộc lộ những hạn chế cần sửa đổi cho phù hợp với tiến trình phát triển, bảo vệ môi trường.
Phát triển theo hướng bền vững
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, mặc dù, ngành VLXD những năm qua đã đạt được một số bước tiến nhất định, song sản xuất VLXD của Việt Nam vẫn chưa thực sự bền vững, còn bộc lộ những vấn đề bất cập phải được nghiên cứu khắc phục như: Việc đầu tư phát triển sản xuất đối với một số chủng loại VLXD còn chưa hợp lý, quy mô còn nhỏ và phân tán, hiệu quả đầu tư chưa cao; việc nghiên cứu phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản làm VLXD chưa được chú trọng; công nghệ sản xuất VLXD ở một số lĩnh vực còn lạc hậu so với trình độ hiện nay ở khu vực và thế giới, đòi hỏi phải được thay thế, đổi mới; nhân lực kỹ thuật được đào tạo bài bản trong lĩnh vực sản xuất VLXD còn mỏng chưa tương xứng với yêu cầu phát triển ngày càng cao của ngành…
Dây chuyền sản xuất tấm tường Acotec - Xuân Mai.
Bộ Xây dựng đã tập trung nghiên cứu, rà soát, tổng kết thực trạng, đánh giá các kết quả đạt được và tồn tại của các quy hoạch chuyên ngành tương ứng. Trên cơ sở những thông tin, số liệu tổng hợp, dữ liệu thu thập được, Bộ Xây dựng đã phân tích, đánh giá khách quan tập trung vào 12 chủng loại VLXD bao gồm xi măng, gạch gốm ốp lát, đá ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, vôi, gạch đất sét nung, vật liệu xây không nung, vật liệu lợp, cát xây dựng, đá xây dựng và bê tông.
Bộ Xây dựng đang dự thảo lấy ý kiến về Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Chiến lược là công cụ quan trọng để định hướng phát triển VLXD nước ta theo hướng bền vững, hiệu quả kinh tế - xã hội, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, năng lượng và bảo vệ môi trường.
Chiến lược được ban hành sẽ là căn cứ để xây dựng các kế hoạch thực hiện của các bộ, ngành, địa phương và các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến công tác đầu tư xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp, cải tạo các nhà máy sản xuất VLXD và kiểm soát chất lượng các sản phẩm VLXD trong thời gian tới.
Phát triển sản phảm có năng lực cạnh tranh, thân thiện môi trường
Chiến lược tập trung ưu tiên đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng mới, các dự án công suất lớn ở các vùng có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, có điều kiện phát triển công nghiệp, có điều kiện hạ tầng giao thông, gần thị trường tiêu thụ; các dự án đầu tư mở rộng; các cơ sở chế biến nguyên liệu chuyên nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn.
 
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất vật liệu xây dựng; Sử dụng công nghệ tiên tiến với mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao vào sản xuất, từng bước áp dụng các giải pháp của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.
Đặc biệt, các dự án sản xuất vật liệu xây dựng phải được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý các chất thải trước khi thải ra môi trường. Phát triển đa dạng chủng loại và mẫu mã sản phẩm, chú trọng  phát triển các sản phẩm có tính năng mới, có giá trị kinh tế cao...
Mục tiêu đặt ra thời kỳ 2021 - 2030, đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng có quy mô công suất lớn đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu; đầu tư phát triển các sản phảm có năng lực cạnh tranh, thân thiện môi trường; đa dạng chủng loại sản phẩm vật liệu xây dựng chất lượng cao; phát triển các sản phẩm phù hợp cho công trình biển đảo, bền trong các môi trường xâm thực, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thời kỳ 2031 - 2050, ngành VLXD phải sản xuất đạt trình độ là ngành công nghiệp hiện đại, công nghiệp xanh, áp dụng triệt để các giải pháp sử dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật vào quản lý và sản xuất; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và lợi thế cạnh tranh.