Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hướng đi khả thi trong cung cấp nước sạch nông thôn

Bảo Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Kỳ họp thứ 2, HĐND TP Hà Nội vừa qua, khi bàn về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới, mục tiêu đến năm 2020, 100% dân số toàn TP được dùng nước sạch khiến không ít đại biểu băn khoăn, bởi khoảng cách này so với thực tế có vẻ còn quá xa.

Nhưng đến thời điểm tháng 8/2016 thì đã rất gần, việc người dân dùng nước sạch được uống tại vòi theo tiêu chuẩn châu Âu trong năm 2017 đang được triển khai.
Theo khảo sát của UBND TP cũng như qua giám sát của HĐND TP cho thấy, trong những năm qua, mặc dù đã có nhiều công trình, dự án cấp nước sạch nông thôn được đầu tư tại các huyện ngoại thành, nhưng hiệu quả thấp. Tính đến hết năm 2015, chỉ có hơn 35% số người dân khu vực nông thôn được dùng nước sinh hoạt theo quy chuẩn; trong đó chỉ có 7,7% số người dân được dùng nước từ công trình cấp nước tập trung do TP đầu tư. Phần lớn hộ dân vẫn phải dùng nước giếng khoan, thậm chí, có nơi người dân phải bơm nước ao, hồ về nhà để sinh hoạt... Trong khi đó, theo giám sát thực tế của Trung tâm Y tế dự phòng (Sở Y tế), hơn 800 lượt hộ sử dụng loại nước tự khai thác, thuộc 8 huyện: Chương Mỹ, Đan Phượng, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thường Tín, Ứng Hòa. Với 810 mẫu nước kiểm tra chất lượng (nước giếng khơi 17 mẫu, nước mưa 348 mẫu, nước giếng khoan 445 mẫu) thì cả 3 nguồn đều có nhiều mẫu không đạt chất lượng nước về chỉ tiêu vi sinh vật và chỉ tiêu hóa học.
 Người dân xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai sử dụng nước sạch phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Ánh Ngọc
Thống kê cho thấy, khu vực nông thôn có 110 công trình cấp nước tập trung. Trong đó có 80 trạm cấp nước hoạt động ổn định, còn lại 25 công trình không hoạt động và 5 công trình đang xây dựng dở dang thì dừng lại. Như vậy có tới 30 công trình bị “đắp chiếu”, trong khi người dân không có nước để dùng. Nguyên nhân ngoài nguồn vốn từ ngân sách không đủ, việc xác định quy mô đầu tư dự án cũng chưa phù hợp. Hơn 80% số trạm cấp nước có quy mô công suất từ 1.000m3/ngày, đêm trở xuống là công trình nhỏ lẻ, cấp cho thôn, xóm, cụm dân cư. Những công trình nhỏ lẻ như vậy không hấp dẫn DN tiếp nhận đầu tư.
Để khẩn trương đáp ứng nhu cầu nước sạch của người dân nông thôn, TP đã có thêm hướng đi mới. TP đang hợp tác với một tập đoàn của Đức đặt mua công nghệ lọc nước Nano cho phép uống nước ngay tại vòi theo tiêu chuẩn châu Âu. Cuối tháng 7 vừa qua, UBND TP đã tổ chức đoàn khảo sát và quyết định thực hiện dự án thí điểm cải thiện môi trường nước tại thôn Thái Hòa, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ. Qua thời gian thử nghiệm đã thành công và dự kiến tháng 9/2016 triển khai đại trà. Giá thành công nghệ lọc nước của Đức cao nhất khoảng 5,6 triệu đồng/hộ, khi số hộ sử dụng nhiều thì giá thành có thể giảm xuống 3 triệu đồng/hộ. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thông tin tại kỳ họp HĐND TP: “Bình lọc nước sạch công nghệ của Đức là sản phẩm Hà Nội đặt riêng. Đây là sản phẩm độc quyền của Hà Nội. Bình lọc nước có tuổi đời 15 năm, có thể hút nước từ sông lên không cần qua bể lọc, sau khi đưa vào bình lọc có thể uống tại vòi. Đặc biệt, trong 15 năm đó cũng không cần phải sử dụng hóa chất gì để lọc”.
Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương cũng cho biết: Trong lúc đang thí điểm một số giải pháp cho vấn đề nước sạch nông thôn, Trung tâm Y tế dự phòng TP cũng cần phân cấp rõ ràng cho các huyện, thị xã chủ động về việc lấy mẫu nước trong Nhân dân để xét nghiệm, cảnh báo người dân để có biện pháp tự trang bị thiết bị lọc hộ gia đình, bảo đảm sinh hoạt. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền người dân bảo quản nước hợp vệ sinh, thực hiện ăn chín, uống sôi để bảo đảm sức khỏe.
Việc áp dụng công nghệ lọc nước hiện đại là giải pháp khả thi, đáp ứng nhu cầu bức thiết về nước sạch của người dân ngoại thành Hà Nội, nhất là ở những khu vực mà nguồn nước ngầm ô nhiễm. Cùng với đó, TP cũng khẩn trương đẩy mạnh các biện pháp nhằm khôi phục các trạm cấp nước không hoạt động; tiếp tục triển khai các dự án trạm cấp nước mới trên địa bàn các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Mỹ Đức, Thường Tín, Thanh Oai, Chương Mỹ… Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng, sông Đuống, sông Đà (giai đoạn 2), tạo điều kiện mở rộng nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân vùng ngoại thành.