Việc phát triển hệ thống xe buýt tạo sự liên thông và thuận tiện cho người dân trong lộ trình tiến tới phát triển thêm các các loại hình VTHKCC khác như tàu điện, đường sắt đô thị… đồng thời góp phần hạn chế dần phương tiện giao thông cá nhân.
Ngay từ năm 2002, khi xe buýt Hà Nội đang trong giai đoạn phát triển mạnh, UBND TP Hà Nội đã đề ra mục tiêu, đến năm 2005, VTHKCC trong đó có hệ thống xe buýt sẽ vận chuyển từ 80 - 100 triệu lượt hành khách/năm. Mới đây nhất, tại Đề án quy hoạch phát triển GTVT Hà Nội đến năm 2020, TP đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 hệ thống VTHKCC sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của 12 - 15% dân số Hà Nội và 35 - 40% vào năm 2020. Trong đó đến năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động 1 tuyến buýt BRT và 3 tuyến đường sắt đô thị.
Phát triển hệ thống xe buýt góp phần giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Hải Linh
|
Theo đánh giá của Sở GTVT, phát triển hệ thống VTHKCC hiện đại, phủ khắp TP sẽ hạn chế người dân sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, từ đó giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, muốn thực hiện được mục tiêu này cần phải có chính sách ưu tiên phát triển hệ thống VTHKCC đặc biệt là xe buýt. Cụ thể, TP phải tiến tới việc đơn giản hóa và đồng hạng giá vé xe buýt, phát hành rộng rãi vé tháng, vé bán trước, vé liên thông trên các tuyến cho mọi đối tượng đi xe buýt. Nhà nước cần có chính sách ưu tiên phát triển xe buýt bằng cách đảm bảo nguồn trợ giá thường xuyên, ổn định; miễn các loại thuế, miễn thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), miễn phí bến bãi, phí qua cầu cho xe buýt.
Cùng với đó, để khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận gần hơn với dịch vụ xe buýt, hướng tới giảm ùn tắc trong nội đô, TP cần quan tâm tới các giải pháp. Thứ nhất, tổ chức phân luồng giao thông, theo đó chỉ cho phép các loại phương tiện ô tô, xe tải, xe khách đi trên các tuyến vành đai, không đi vào trong TP. Thứ hai, bố trí giờ làm việc của các cơ quan T.Ư và địa phương một cách hợp lý để giảm áp lực phương tiện lên hạ tầng giao thông (vốn yếu và thiếu) trong các khung giờ cao điểm. Thứ ba, cần phải hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông thông qua việc hạn chế nhập và lắp ráp xe gắn máy trong nước. Đồng thời thí điểm cấm phương tiện cá nhân trên một số tuyến phố, nhất là trong giờ cao điểm. Thứ tư, tuyên truyền về lợi ích việc sử dụng xe buýt và mở cuộc vận động CBCNV ngành GTVT gương mẫu không sử dụng phương tiện cá nhân, sau một thời gian có thể khuyến khích toàn thể công chức TP, tiến tới vận động toàn dân đô thị sử dụng xe buýt và sau này là các phương tiện VTHKCC khác như tàu điện ngầm, nổi...
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội nên chỉ đạo Sở GTVT, các đơn vị vận tải buýt tổ chức hợp lý các tuyến xe buýt để tránh chồng chéo, nâng cao năng lực phương tiện… từ đó hạn chế được tình trạng giao thông hỗn loạn, tránh lãng phí. Khi xây dựng mới các dự án hạ tầng giao thông bắt buộc phải có hạ tầng cho VTHKCC như phải có điểm dừng đỗ an toàn cho khách.
Trên cơ sở tuyến buýt chuẩn thí điểm số 32 Giáp Bát - Nhổn, triển khai các tuyến buýt trục để người dân ngoại thành có thể đi xe buýt vào trung tâm TP và ngược lại. Đồng thời tăng thời gian hoạt động xe buýt từ 16 đến 18 tiếng/ngày để tăng thêm thời gian tiếp cận xe buýt của người dân. Đơn giản và đồng hạng giá vé, phát hành vé liên thông, vé bán trước. Xây dựng hệ thống điểm dừng xe buýt văn minh, thuận tiện, khoảng cách đi đến điểm dừng không quá 500m đối với các quận nội thành, không quá 800m đối với các huyện ngoại thành (dừng không quá 30 giây). Thí điểm xây dựng điểm trung chuyển an toàn, thuận tiện, tổ chức trông giữ xe miễn phí cho hành khách sử dụng xe buýt tại các điểm trung chuyển, điểm đầu cuối tuyến xe buýt, có làn đường dành riêng, đường ưu tiên cho xe buýt.
Chỉ khi nào dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có chất lượng phục vụ tốt, thuận tiện, đủ sức hấp dẫn, các cơ quan, tổ chức cá nhân tham gia giao thông thấy rõ lợi ích của việc sử dụng xe buýt thì khi đó VTHKCC bằng xe buýt mới thực sự phát huy hết hiệu quả và ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội và môi trường.