Hiệu quả từ đổi mới phương thức sản xuất
Anh Nguyễn Văn Nhân, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, vui mừng cho biết: "Trồng chè cho thu nhập gấp nhiều lần trồng sắn. Nhờ ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, chế biến chè như: Máy đốn tỉa, máy phun thuốc BVTV, máy sao, máy vò chè mới…, mỗi năm 6 sào chè của gia đình cho thu hoạch khoảng 3,5 tạ chè khô, với giá bán trung bình từ 100.000 - 180.000 đồng/kg, gia đình có thu nhập khoảng 50 triệu đồng".
Du khách thưởng thức trà tại Festival Trà Thái Nguyên. Ảnh: Bình Minh
|
Ông Nguyễn Đức Dần - Trưởng Phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết, năm 2013, huyện Ba Vì triển khai trồng 88ha chè, trong đó có 10ha thâm canh chè VietGAP. Tham gia mô hình, bà con nông dân được cán bộ Sở NN&PTNT Hà Nội giới thiệu, lựa chọn những giống chè mới có năng suất, chất lượng cao. Vì vậy, bà con phấn khởi, thay đổi tập quán sản xuất cũ, phá bỏ những nương chè già cỗi năng suất, chất lượng thấp để thay thế những giống chè mới.
Theo Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, năm 2013, Trung tâm đã triển khai xây dựng 5 mô hình sản xuất và tiêu thụ chè an toàn với diện tích 185ha tại 7 xã của 4 huyện ngoại thành Hà Nội (Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai, Chương Mỹ). Để thực hiện mô hình tại các địa phương đạt hiệu quả, Trung tâm đã hỗ trợ 100% giống chè cho mô hình chè theo VietGAP; 30% giá trị kinh phí vật tư; 50% giá trị kinh phí máy móc... cho các hợp tác xã tham gia mô hình. Hiện, các vườn đồi chè tại các địa phương đều đạt được các tiêu chuẩn như: Giảm chi phí sản xuất, giảm lượng thuốc BVTV, tăng năng suất, tăng giá trị sản phẩm, cho hiệu quả kinh tế đạt trung bình từ 120 - 200 triệu đồng/ha/năm.
Khác với Hà Nội, do có điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt nên vùng đất Thái Nguyên rất thuận lợi cho sự phát triển của cây chè, nhất là Tân Cương - một trong những vùng cung cấp nhiều loại chè ngon nổi tiếng. Chính vì vậy, thời gian qua, Thái Nguyên đã tập trung bảo tồn và phát huy các vùng chè truyền thống gắn với phương thức sản xuất cổ truyền như: Tân Cương, La Bằng, Khe Cốc, Trại Cài, Sông Cầu; đồng thời, quy hoạch lại các vùng trồng chè để nâng cao năng suất, chất lượng và tính an toàn của nguyên liệu chè búp tươi; xây dựng 15 mô hình trồng chè theo VietGAP.
Xây dựng thương hiệu
Theo đánh giá của ông Vũ Xuân La - Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm miền núi phía Bắc, Hà Nội, Thái Nguyên có đủ các điều kiện thuận lợi để sản xuất chè an toàn và là thị trường tiêu thụ chè lớn. Tuy nhiên, để phát triển và tiêu thụ chè an toàn ổn định về lâu dài, các địa phương cần tập trung đầu tư cho công tác đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, phục vụ nghiên cứu các giống chè; nâng cao chất lượng chè đặc sản nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, hiện, trên địa bàn tỉnh có gần 19.000ha chè, sản lượng chè khô đạt gần 200.000 tấn, trong đó xuất khẩu 7.200 tấn. Sản phẩm trà Thái Nguyên đã có mặt trên thị trường 50 tỉnh, TP trên cả nước và nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Pakistan, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Srilanca…
Để đảm bảo uy tín chất lượng một cách ổn định, tỉnh đã thiết lập hệ thống quản lý nhãn hiệu tập thể ngay từ đầu. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước một cách chuyên nghiệp hơn để Trà Thái Nguyên nâng cao được giá trị trên thị trường trong nước và quốc tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long khẳng định: Festival Trà Thái Nguyên lần này đã mở ra cơ hội cho chè Việt Nam nói chung và khẳng định thương hiệu "Đệ nhất danh trà" nói riêng trên thị trường. Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục mở rộng mô hình trồng và chế biến chè, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc xây dựng làng nghề truyền thống, tăng cường tôn vinh quảng bá giá trị văn hóa đặc sắc của Trà Thái Nguyên và Trà Việt Nam.
Tối 9/11, tại Trung tâm Tổ chức sự kiện hồ Núi Cốc, TP Thái Nguyên, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Lễ khai mạc "Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ hai, năm 2013". Hiện, toàn tỉnh Thái Nguyên có gần 19.000ha chè, đứng thứ hai trong cả nước và là tỉnh dẫn đầu về năng suất, chất lượng chè với sản lượng chè búp tươi đạt gần 200.000 tấn/năm; hàng năm Thái Nguyên xuất khẩu khoảng 7.200 tấn sản phẩm trà các loại sang nhiều nước trên thế giới… Cũng tại buổi lễ, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao kỷ lục "Sản phẩm Trà Thái Nguyên thuộc Top các đặc sản quà tặng có giá trị của châu Á" cho tỉnh Thái Nguyên. |