Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hướng tới cạnh tranh lành mạnh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các nhà mạng lớn bị quản chặt hơn, trong khi các nhà mạng nhỏ được hưởng cơ chế quản lý linh hoạt. Đây là chủ trương của Bộ Thông tin & Truyền thông nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp (DN) viễn thông nhỏ và mới gia nhập thị trường có cơ hội phát triển thị phần.

Ưu đãi các nhà mạng nhỏ

Các DN viễn thông nhỏ sẽ được ưu ái hơn khi được hưởng cơ chế quản lý giá cước linh hoạt, trong khi những DN viễn thông có thị phần lớn hơn trên thị trường sẽ phải chịu sự quản lý chặt chẽ. Ngoài ra, Bộ cũng tiến hành quản lý chặt các thuê bao trả trước nhằm tránh tình trạng phát triển thuê bao tràn lan. "Đây là những chính sách cơ bản của Bộ chủ quản nhằm điều tiết thị trường viễn thông, hỗ trợ các DN viễn thông nhỏ phát triển" - Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng khẳng định tại Hội nghị quốc tế Mobile Việt Nam 2012 (19/10). 

Cũng theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, Bộ chủ trương duy trì áp lực cạnh tranh trên thị trường, thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh và tham gia thị trường của mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Hướng tới cạnh tranh lành mạnh - Ảnh 1
Triển lãm Mobile Việt Nam 2012 thu hút sự chú ý của những người trẻ.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh: "Việt Nam sẵn sàng chào đón và tạo điều kiện thuận lợi để các DN công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông quốc tế đầu tư kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam, đồng thời mong muốn sự hợp tác, phát triển lĩnh vực viễn thông di động giữa Việt Nam và các nước ngày càng được mở rộng".

 Trên thị trường di động Việt Nam hiện nay nổi lên ba tên tuổi lớn là: Viettel (chiếm 40% thị phần), VinaPhone (30%), MobiFone (18%); còn 3 nhà mạng Vietnammobile, Gmobile (thay thế Beeline) và Sfone (vẫn có giấy phép kinh doanh). 

So sánh tương quan giữa 3 nhà mạng lớn và các nhà mạng còn lại có thể thấy sự chênh lệch là khá lớn. Tuy nhiên, theo bà Trần Nhật Lệ - Phó Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, mặc dù chỉ chiếm một thị phần khiêm tốn, song tốc độ tăng trưởng thuê bao của các nhà mạng nhỏ không thua kém nhà mạng lớn. Điều này có được một phần là nhờ vào những chính sách hỗ trợ của cơ quan chủ quản cũng như những biện pháp ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN như: Khuyến mại không lành mạnh, áp dụng nhiều mức giá với những đối tác khác nhau, tập trung kinh tế…

Tương lai di động Việt Nam sẽ ra sao?

Dân số Việt Nam hiện có gần 88 triệu người, nhưng số thuê bao di động lên đến hơn 120 triệu. Do đó, theo ông Hoàng Sơn - Giám đốc Công ty Viễn thông Viettel: "Tiềm năng phát triển thuê bao mới chỉ dùng dịch vụ viễn thông sẽ giảm dần, thay vào đó là việc các DN viễn thông sẽ hướng tới phát triển các thuê bao mới chuyên ứng dụng CNTT và thuê bao cũ dùng thêm ứng dụng CNTT". Với hạ tầng viễn thông rộng khắp, có hơn 50.000 trạm BTS, hơn 150.000 km cáp quang, ông Sơn tự tin Viettel có thể phát triển thêm hàng chục triệu khách hàng mới sử dụng ứng dụng CNTT và cung cấp thêm tiện ích cho gần 45 triệu thuê bao hiện có của mình.

Bàn về "Tương lai di động Việt Nam", ông Denis Brunetti - Phó Tổng Giám đốc Ericsson Việt Nam cho rằng, dịch vụ 3G sẽ ngày càng chiếm một vị trí quan trọng trên thị trường viễn thông di động Việt Nam. 

Theo thống kê của Bộ TT&TT, Việt Nam hiện có 16 triệu thuê bao 3G, chiếm 15% tổng dân số cả nước. Nghiên cứu của Ericsson ConsumerLab dự đoán trong vòng 6 tháng tới, tỷ lệ người sử dụng smartphone (điện thoại thông minh) tại Việt Nam sẽ tăng từ 16% lên 21%, tỷ lệ người dùng máy tính bảng cũng tăng từ 2% lên 5%. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong việc sử dụng smartphone, máy tính bảng sẽ là tiền đề để phát triển ngành kinh doanh dịch vụ 3G trong nước. Bên cạnh đó, việc Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến 2020 và đề xuất kế hoạch chi tiết phát triển 3G. Đây chính là nền tảng quan trọng để các DN phát triển dịch vụ 3G ở Việt Nam.