Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hướng tới  “huyện, xã không đốt rơm rạ”

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê, mỗi năm, Hà Nội phát sinh khoảng 1 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch.

Tuy nhiên, hơn 1/3 số phụ phẩm này đang bị đốt bỏ, không chỉ gây lãng phí mà còn làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đây cũng là bài toán đặt ra cho các địa phương muốn hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Hệ lụy “kép”

Trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn còn 20 quận, huyện, thị xã có diện tích canh tác nông nghiệp, trong đó, có 18 địa phương trồng lúa phổ biến. Hoạt động gieo trồng hàng năm làm phát sinh khoảng 642.000 tấn rơm rạ, chiếm 59% tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Cùng với đó là trên 171.000 tấn trấu, 204.000 tấn thân và lá ngô, 68.000 tấn lõi ngô...

Thu hoạch lúa, bỏ lại rơm rạ trên cánh đồng tại xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Trọng Tùng

Đối với rơm rạ, hiện các địa phương đang đốt bỏ khoảng 36,4% tổng lượng phát sinh. Tỷ lệ đốt bỏ rơm rạ cao nhất tại huyện Đan Phượng (90%), tiếp đến là các huyện: Mê Linh (70%), Hoài Đức (69%), Gia Lâm (60%)… Đối với các phụ phẩm nông nghiệp khác, tỷ lệ đốt bỏ cũng ở mức 31,2%. Không chỉ gây lãng phí, theo nhiều nhà khoa học, việc đốt rơm rạ nói riêng, phụ phẩm nông nghiệp nói chung còn tạo ra nhiều khí thải độc hại như CO2, CO, CH4, N2O, SO2… Trong đó, chiếm chủ yếu là CO2 với ước tính phát thải lên tới 273.000 tấn/năm. Cùng với đó là khoảng 6.500 tấn CO, 2.400 tấn bụi bay vật chất dạng hạt. Khí thải gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, cản trở tầm nhìn giao thông, đặc biệt là ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dân.

Biến phụ phẩm thành sản phẩm có ích

Nhận thức được tác hại của việc đốt bỏ phụ phẩm nông nghiệp, nhiều địa phương đã bước đầu quản lý, sử dụng các sản phẩm sau thu hoạch theo hướng an toàn, hiệu quả hơn. Đơn cử như tại thị xã Sơn Tây, 50% phụ phẩm nông nghiệp được dùng làm thức ăn chăn nuôi. Hay tại Ba Vì, khoảng 30% rơm rạ và 100% phụ phẩm từ ngô được người dân dùng lót chuồng, làm thức ăn chăn nuôi. Trong khi tại huyện Sóc Sơn, hơn 20% phụ phẩm nông nghiệp được dùng cho đun nấu…

Những năm qua, một số địa phương đã bắt đầu quan tâm tới ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong xử lý rơm rạ. Điển hình là tại Thạch Thất, từ năm 2015, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã thử nghiệm sử dụng chế phẩm vi sinh AT-YTB để xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Thạch Thất Vũ Thị Lệ Quyên cho biết, trung bình mỗi năm, khoảng 1.100 tấn rơm rạ phát sinh trên địa bàn được xử lý bằng chế phẩm AT-YTB. Không chỉ giúp bảo vệ môi trường, quá trình xử lý còn tạo ra phân hữu cơ vi sinh, thực tiễn sử dụng bón cho cây trồng đã giúp nâng cao đáng kể năng suất.

Dẫu vậy, các hoạt động tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp nêu trên mới chỉ mang tính địa phương. Để giảm thiểu nguy cơ từ tình trạng đốt rơm rạ nói riêng, phụ phẩm nông nghiệp nói chung, thời gian qua, Sở TN&MT Hà Nội đã thí điểm xây dựng “Cánh đồng không đốt rơm rạ” tại huyện Đan Phượng. Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) Mai Trọng Thái, mô hình bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình, ông Thái kiến nghị TP tiếp tục quan tâm, hỗ trợ vốn triển khai các giải pháp xử lý rơm rạ, phấn đấu năm 2018 sẽ phổ biến mô hình “Phường, xã không đốt rơm rạ”; năm 2019 là “Quận, huyện không đốt rơm rạ” và tới năm 2020, Hà Nội trở thành “TP không đốt rơm rạ”.

Cũng theo ông Thái, tiềm năng để biến phụ phẩm nông nghiệp thành sản phẩm cho phát triển chăn nuôi, trồng trọt và năng lượng sạch là rất lớn. Tuy nhiên, mục tiêu này đòi hỏi có sự vào cuộc của các DN khoa học công nghệ cùng với cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút DN tiếp cận lĩnh vực này.