Các quốc gia Đông Nam Á đã đi một chặng đường dài xây dựng Cộng đồng ASEAN với giá trị cốt lõi là sự đoàn kết, đồng thuận và “thống nhất trong đa dạng”. Một trong những trở ngại lớn của tiến trình này là sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các thành viên, đặc biệt là giữa 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) với 6 thành viên còn lại của ASEAN.
|
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh - Ảnh: VGP/Hải Minh |
Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy hội nhập của các nước CLMV vào tiến trình phát triển chung của khu vực, ngày 28/11/2004, lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam đã tổ chức Hội nghị cấp cao (HNCC) CLMV lần thứ nhất tại Lào. Hội nghị đã thông qua
Tuyên bố Vientiane về Tăng cường hợp tác và hội nhập kinh tế giữa các nước CLMV, khẳng định quyết tâm hợp tác của 4 nước vì mục tiêu chung và kêu gọi các đối tác phát triển và các tổ chức quốc tế cùng chung tay thúc đẩy phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội tại khu vực Mekong. Các lĩnh vực hợp tác chính được lựa chọn gồm thương mại - đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, du lịch và phát triển nguồn nhân lực.
Hình thành hợp tác CLMV là yêu cầu khách quan của tiến trình hội nhập ASEAN. Hợp tác CLMV là cơ chế mở, một mặt phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có của các nước thành viên, mặt khác là kênh kêu gọi hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ các nước ASEAN và các đối tác phát triển khác đối với nỗ lực của các nước CLMV. Đây cũng là diễn đàn để các nước CLMV phối hợp lập trường góp phần bảo vệ lợi ích của mình trong quá trình liên kết kinh tế ASEAN cũng như giữa ASEAN với đối tác ngoài khu vực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU.
Bên cạnh đó, 5 nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã thiết lập cơ chế Chiến lược Hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) với mục tiêu bao trùm là bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung. Mục tiêu chính của ACMECS là nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực biên giới các nước, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và công nghiệp một cách hiệu quả nhất, mở rộng cơ hội việc làm và thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các quốc gia. Hợp tác ACMECS tập trung vào 8 lĩnh vực ưu tiên gồm thương mại - đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp - năng lượng, giao thông, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, y tế và môi trường.
Sau hơn 13 năm hoạt động, hợp tác CLMV và ACMECS đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các nước khu vực Mekong, thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. Nhờ các cải cách kinh tế sâu rộng và nỗ lực tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, khu vực Mekong đã trở thành khu vực phát triển năng động và là động lực tăng trưởng quan trọng của ASEAN.
Điểm nhấn chính của cơ chế hợp tác CLMV và ACMECS là hướng tới kết quả cụ thể, với các dự án chương trình nổi bật như xây dựng mới và nâng cấp nhiều tuyến đường giúp hoàn thiện hạ tầng giao thông dọc các Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) và Hàng lang kinh tế phía Nam (SEC); ký kết và triển khai nhiều thỏa thuận song phương và đa phương về vận tải, thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh nhằm tạo thuận lợi cho lưu thông người và hàng hóa qua biên giới; các chương trình học bổng và dạy nghề.
Hợp tác ACMECS và CLMV cũng là những cơ chế quan trọng để các nước Mekong phối hợp nỗ lực, củng cố lòng tin, đối thoại tìm kiếm giải pháp cho các thách thức chung như vấn đề nguồn nước, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... trên cơ sở hài hòa lợi ích của tất cả các bên. Việc tăng cường hợp tác và kết nối cũng giúp nâng cao vai trò và tiếng nói của các nước Mekong trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.
Mặc dù vẫn còn một số hạn chế, hợp tác CLMV và ACMECS còn nhiều tiềm năng để phát huy hơn nữa. Yêu cầu trước mắt đặt ra là cần cải tiến phương thức và lựa chọn lĩnh vực hợp tác ưu tiên phù hợp với bối cảnh mới và nhu cầu phát triển của các nước thành viên, đồng thời tăng cường sự phối hợp với các cơ chế khu vực và tiểu vùng khác.
Việt Nam trong hợp tác CLMV và ACMECSLà thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng trong hợp tác CLMV và ACMECS. Với vị trí cửa ngõ phía Đông của tiểu vùng Mekong, Việt Nam là một nhân tố không thể thiếu của các hành lang kinh tế Hành lang kinh tế Đông - Tây và Hàng lang kinh tế phía Nam. Chúng ta đã chủ động đề xuất và triển khai nhiều ý tưởng mới, đóng góp xây dựng các văn bản quan trọng, hình thành và thúc đẩy các sáng kiến, cung cấp hỗ trợ phát triển cho các nước thành viên, trong đó có phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hạ tầng cơ sở.
Đối với hợp tác CLMV, Việt Nam đã xây dựng Quỹ học bổng CLMV, theo đó mỗi năm Việt Nam cung cấp hàng chục suất học bổng cho các nước Campuchia, Lào, Myanmar. Chương trình học bổng đã được các nước đánh giá cao và đề nghị tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong cả 2 cơ chế hợp tác CLMV và ACMECS, Việt Nam đều đóng vai trò điều phối một số lĩnh vực hợp tác chuyên ngành và đã triển khai được nhiều hoạt động thiết thực giúp thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa 5 quốc gia.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sử dụng bền vững tài nguyên lưu vực sông Mekong, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác về môi trường và quản lý nguồn nước. Việt Nam là nước đầu tiên đưa ra ý tưởng thành lập Nhóm công tác về môi trường trong khuôn khổ ACMECS và hiện đóng vai trò đồng chủ trì nhóm công tác.
Năm 2016, Việt Nam đã 2 lần chủ trì tổ chức các cuộc họp nhóm công tác chuyên ngành và các cuộc họp Quan chức cao cấp của Hợp tác ACMECS và CLMV. Với mong muốn nâng cao hiệu quả và chất lượng hợp tác, Việt Nam đã chủ động thực hiện các bước cải tiến giúp các nhóm công tác được tổ chức bài bản hơn, có sự phối hợp tốt hơn với nhau. Nỗ lực của Việt Nam được các nước thành viên ACMECS và CLMV hoan nghênh và nhất trí tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
Định hướng hợp tác thời gian tớiKhu vực Mekong đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với những cơ hội phát triển chưa từng có và không ít thách thức. Với chính sách đúng đắn và sự phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ CLMV và ACMECS, các tiềm năng và lợi thế của khu vực như lực lượng lao động lớn, giá cả cạnh tranh, vị trí địa kinh tế chiến lược sẽ tiếp tục được phát huy, góp phần bảo đảm triển vọng tăng trưởng kinh tế của cả 5 nước Mekong.
HNCC ACMECS lần thứ 7 và HNCC CLMV lần thứ 8 sẽ được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề
“Hướng đến một tiểu vùng Mekong năng động và thịnh vượng: Nắm bắt cơ hội, Định hình tương lai”. Hội nghị là dịp để các nhà lãnh đạo xem xét tình hình thực hiện các kế hoạch hành động đã được thông qua thống nhất các biện pháp hợp tác nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế, thúc đẩy hội nhập khu vực và ứng phó với các thách thức chung vì tương lai hòa bình, thịnh vượng của tiểu vùng Mekong.
Với quyết tâm và nỗ lực của các nước thành viên, HNCC ACMECS 7 và HNCC CLMV 8 sẽ mở ra chương mới cho hợp tác khu vực Mekong, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung ở khu vực.
Cũng trong dịp này, theo sáng kiến của Việt Nam, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Mekong (WEF - Mekong) sẽ được tổ chức lần đầu tiên cùng dịp với các HNCC ACMECS và CLMV nhằm quảng bá tiềm năng của khu vực Mekong tới cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Hội nghị WEF - Mekong sẽ mang đến những những ý tưởng sáng tạo và cơ hội hợp tác mới giữa các tập đoàn hàng đầu thế giới và các doanh nghiệp uy tín của khu vực, góp phần thu hút luồng vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và tăng cường kết nối tại khu vực Mekong.