Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND với mục tiêu kinh tế Thủ đô tăng trưởng bền vững, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, khai thác và sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Theo Kế hoạch, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2011-2020 đạt 11,5 - 12% năm. Đến năm 2020, GRDP/người đạt khoảng 7.100 - 7.500 USD/năm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, trong đó, dịch vụ chất lượng cao đóng vai trò trọng yếu trong cơ cấu kinh tế của Thành phố. Đến năm 2020, cơ cấu kinh tế của Hà Nội: Dịch vụ 55,5 - 56,5%; Công nghiệp-Xây dựng 41 - 42%; Nông nghiệp 2 - 2,5%. Phát triển giáo dục và đào tạo trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia: 65 -70%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 70 - 75%.
 
Trong lĩnh vực văn hóa, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể; Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phấn đấu 2/3 số xã đạt tiêu chí nông thôn mới vào năm 2020. Về y tế, phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, tăng tuổi thọ bình quân, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân còn dưới 8%; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,4 -1,8%/năm. 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh mới áp dụng công nghệ thân thiện môi trường hoặc trang bị các thiết bị xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; trên 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh hiện có đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất và các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng,…
 
Hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội - Ảnh 1

Hà Nội sẽ trở thành trung tâm  phát triển giáo dục và đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực.  Ảnh: Hồng Ngọc

Để thực hiện các mục tiêu trên, hàng loạt các giải pháp đã được đưa ra, đó là khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế so sánh, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh. Đảm bảo an sinh và duy trì ổn định xã hội. Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh tạo việc làm, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Phát triển bền vững các lĩnh vực văn hoá - xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ. Tổ chức khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khôi phục và cải thiện chất lượng môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền sẽ được quan tâm để nâng cao nhận thức về phát triển bền vững. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển bền vững; Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính để thực hiện phát triển bền vững. Thực hiện đào tạo và thu hút sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thực hiện phát triển bền vững; Khai thác, phát huy tiềm lực khoa học công nghệ, coi đó là động lực và nền tảng cho thực hiện phát triển bền vững; Củng cố và xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại làm nền tảng cho phát triển bền vững. Đặc biệt, Thành phố tăng cường phối hợp với các bộ, ngành T.Ư; hợp tác, liên kết cùng phát triển với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm và cả nước, với các thành phố lớn trong khu vực và quốc tế.