Kinhtedothi - Không phải đến bây giờ, khi 2 hầm chui ngàn tỷ là Thanh Xuân, Trung Hòa được đưa vào sử dụng, các chuyên gia mới hoài nghi về tác dụng cấp thời trong giảm thiểu UTGT, mà thực tế, việc xây dựng các nút giao đa tầng vẫn được cho là chưa lường hết các tình huống xung đột giao thông phức tạp.
Dồn áp lực từ nơi này đến nơi khác
Ngày 9/1 vừa qua, 2 hầm chui hiện đại với kinh phí xây dựng hàng ngàn tỷ đồng là Thanh Xuân và Trung Hòa được khánh thành và chính thức đưa vào sử dụng trong sự kỳ vọng lớn của người dân Hà Nội. Tại buổi lễ khánh thành, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã quả quyết: “Sẽ chấm dứt cảnh UTGT trên các tuyến Trần Phú - Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng”.
Thực tế cho thấy, tình trạng UTGT tại 2 nút giao lớn kể trên đã giảm bớt, tuy nhiên nguyên nhân không phải vì có hầm chui mà là các hầm chui đã khai thông thế bế tắc ở đây để… đẩy áp lực đến các nút giao phụ cận. Kỳ vọng lớn nên nhiều người dân tỏ ra hụt hẫng khi con đường đi làm, đi học hàng ngày vẫn hoàn toàn ùn tắc. Chị Nguyễn Thị Hoa (Hà Đông) cho biết: “Trước đây ùn tắc tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi, bây giờ thì “dồn cục” ở Ngã Tư Sở. Chẳng cải thiện gì mấy, có khi đi lại còn vất vả hơn”.
Ít ngày qua, tình trạng UTGT liên tiếp xảy ra tại các nút giao phụ cận 2 hầm chui kể trên và có xu hướng gia tăng cả về mức độ lẫn quy mô. Quanh hầm chui Thanh Xuân, các nút Ngã Tư Sở, ngã tư Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến, đường Nguyễn Hữu Thọ thường xuyên rơi vào cảnh ùn ứ, thậm chí tắc cứng. Phương tiện qua hầm chui Trung Hòa bị dồn lại ở ngã tư Trần Duy Hưng - Nguyễn Chánh, bên trên, từ đường Khuất Duy Tiến về phía Hoàng Quốc Việt thì tắc ở Phạm Hùng - Dương Đình Nghệ, đầu phố Tôn Thất Thuyết, Phạm Hùng - Hồ Tùng Mậu.
Nhận xét về tình trạng này, TS Đặng Minh Tân - giảng viên khoa Cầu đường bộ, Đại học GTVT nói: “Chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều vào 2 hầm chui Thanh Xuân và Trung Hòa. Bởi, chúng chỉ là một phần rất nhỏ trong cả một hệ thống giao thông đô thị phức tạp. Thông xe hầm chui trong hoàn cảnh hiện tại chỉ là thao tác đẩy ùn tắc từ nơi này đến nơi khác mà thôi”.
Vẫn chồng chéo xung đột
Trong ngành giao thông có một khái niệm được nói gọn là: Bottleneck - Nút cổ chai, dùng để mô tả tình trạng dòng phương tiện vượt quá khả năng đáp ứng của các nút giao, dồn ứ lại và thoát đi chậm chạp. Có thể thấy, vấn đề UTGT của Hà Nội, chí ít là trên các tuyến hướng tâm, xuyên tâm xung yếu như Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng, Khuất Duy Tiến… không thể được giải quyết chỉ bằng xây dựng 1, 2 công trình giao thông riêng biệt. Vấn đề lớn nhất vẫn là việc phân bố mật độ dân cư không đồng đều, hạ tầng hụt hơi, bị quy mô dân số bỏ cách quá xa trên đà phát triển. Không thể phủ nhận vai trò của 2 hầm chui nêu trên trong việc điều tiết giao thông, song trông chờ vào đó để giải quyết UTGT trên các tuyến này là nhận định cảm tính và chủ quan.
Ngay chính các hầm chui này, trong khu vực hiện diện của mình với hình thế giao thông đa tầng lớp đã đủ gây khó khăn cho việc tổ chức giao thông, bởi sự phức tạp trong khâu đấu nối đồng bộ. Ví dụ rõ nhất là hiện tượng các lối lên xuống của đường Vành đai 3 xung phá trực tiếp, mạnh mẽ vào 2 nút trọng yếu trên đường Khuất Duy Tiến nơi giao cắt với đường Nguyễn Trãi và Trần Duy Hưng. Xung đột tại nút, đẩy áp lực đi các giao lộ lân cận, hiện trạng này đang khiến cơ quan chức năng khá bối rối và người dân thêm phần ngao ngán. Trong chuyến thị sát nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi ngày 13/1, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân đã yêu cầu phải khẩn cấp thu gọn các đảo giao thông, điều chỉnh nhịp đèn tín hiệu, sơn kẻ vạch để tổ chức lại giao thông. Tuy nhiên, khu vực này vẫn chưa được bàn giao lại cho Sở GTVT Hà Nội quản lý, tạm thời công tác tổ chức giao thông vẫn do đơn vị kỹ thuật của Bộ GTVT đảm trách. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng đã thúc giục đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh làn đường, tín hiệu trong nút giao. “Nhưng điều cần nhất là phải tìm cho ra phương án đấu nối đồng bộ, xử lý xung đột cả từ bên ngoài lẫn bên trong thì nút giao đa tầng mới phát huy được hiệu quả” - TS Đặng Minh Tân nói.
Không thể cứ “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”
Trong tình hình hiện tại, càng có nhiều công trình giao thông hiện đại càng góp phần giảm thiểu UTGT, thế nhưng điều các chuyên gia quan tâm nhất là phân bố lại mật độ dân cư cho phù hợp với năng lực đáp ứng của hạ tầng. Theo Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm, các khu nhà ở, đô thị mới được xây dựng rất nhiều trong khu vực nội thành, nhưng hạ tầng thì không được đầu tư đồng bộ và kết nối hoàn chỉnh, chủ yếu chỉ có nhà ở, không có đủ trường học, bệnh viện... Việc người dân ở một nơi, đi làm, đi học một nơi là nguyên nhân gây ra tắc nghẽn giao thông. Vì vậy, điều cấp thiết là phải tiến hành song song 2 nhóm giải pháp, vừa hạn chế dân số đô thị, đặc biệt là các khu trung tâm; vừa phát triển mạng lưới giao thông cơ động, vươn xa, hướng ra các vùng ven và địa phương lân cận để khuyến khích người dân rời khỏi “lõi” đô thị vốn đang quá tải toàn diện.
Bên cạnh việc siết chặt quy hoạch đô thị, hạn chế tình trạng nhà cao tầng đua nhau mọc lên, tập trung dân cư vào trung tâm, gia tăng áp lực lên hạ tầng, TP còn cần có đáp án chính xác cho bài toán: Đấu nối mạng lưới giao thông đô thị. Đáp án này phải được giải trước khi tổ chức xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông, không thể mơ hồ theo kiểu “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, bởi mỗi công trình giao thông như hầm chui, cầu vượt hay đường trên cao trị giá đến hàng ngàn tỷ đồng, không dễ mà sửa chữa, thay đổi được. Tình trạng bối rối quanh khu vực 2 hầm chui Thanh Xuân, Trung Hòa những ngày qua là bài học đắt giá cho việc thiếu phương án hoàn chỉnh để kết nối, sử dụng hữu hiệu các công trình giao thông phức tạp. Trước mắt, Bộ GTVT cần nhanh chóng phối hợp với Sở GTVT Hà Nội tổ chức lại giao thông quanh 2 hầm chui Thanh Xuân, Trung Hòa và đặc biệt, có biện pháp xử lý hướng lưu thông từ đường Vành đai 3 đang xung phá trực tiếp vào các nút này.
Ùn tắc gia tăng tại Ngã Tư Sở sau khi thông hầm chui Thanh Xuân. Ảnh: Đặng Sơn
|