Thị trường bị bỏ ngỏ
Với dân số hơn 1,2 tỷ người, trong đó có 300 triệu người thuộc lớp trung lưu, hàng năm, người Ấn Độ chi tiêu khoảng 13,3 tỷ USD cho việc đi du lịch đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 91 tỷ USD vào năm 2030, đưa du khách Ấn Độ trở thành một trong những người có sự chi tiêu nhiều nhất trên thị trường du lịch thế giới (chỉ sau Trung Quốc). Tuy nhiên, trong số gần 15 triệu lượt khách Ấn Độ đi du lịch nước ngoài và gần 2,5 triệu lượt khách Ấn Độ sang các nước ASEAN mỗi năm, chỉ có 10.000 người đến Việt Nam.
Một gia đình du khách người Ấn Độ tham gia hoạt động xã hội tại TP Hồ Chí Minh tháng 8 vừa qua.
|
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, Ấn Độ hiện không được xếp trong danh sách 29 thị trường khách lớn nhất của Việt Nam. Khách Ấn Độ tới Việt Nam chủ yếu là khách công vụ, thương gia và các nhà đầu tư, rất ít người đi du lịch. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, đây là điều đáng để ngành du lịch hai quốc gia suy ngẫm, bởi Ấn Độ và Việt Nam đã có thỏa thuận hợp tác về du lịch ở cấp Chính phủ từ năm 2001. Trước những con số này, bà Preeti Saran - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cũng cho rằng: “Sự phát triển du lịch như vậy là ở dưới mức tiềm năng, vì hai nước Việt - Ấn vốn có mối quan hệ truyền thống lâu dài rất tốt đẹp và Việt Nam có rất nhiều thế mạnh phù hợp để thu hút khách Ấn Độ”.
Theo lý giải của các DN lữ hành, thời gian qua, lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam còn hạn chế là do cả hai bên đều thiếu những sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu, nhu cầu, thói quen và sở thích của du khách hai nước, chế độ xin thị thực còn rườm rà. Bên cạnh đó, chi phí tour đến Việt Nam cao hơn so với các nước lân cận như Malaysia, Thái Lan do chưa có đường bay thẳng. Đặc biệt, ngành du lịch hai nước chưa chủ động phối hợp, tìm hiểu về nhau, chưa tích cực tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch. Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, việc thu hút khách Ấn Độ không dễ, bởi khách Ấn không khắt khe về giá nhưng đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao. Mặt khác, đại đa số người Ấn theo đạo Hindu, áp dụng nhiều chế độ ăn kiêng, nhưng Hà Nội mới chỉ có 3 nhà hàng, khách sạn đáp ứng được nhu cầu này.
Lấp khoảng trống thế nào?
Đại sứ Preeti Saran cho rằng, du lịch Việt Nam cần tăng cường quảng bá các điểm đến giàu giá trị văn hóa, lịch sử bằng cách mời các đoàn làm phim Ấn Độ đến quay phim. Bởi những hình ảnh danh lam thắng cảnh cùng những diễn viên nổi tiếng xuất hiện trong phim đã hấp dẫn nhiều du khách là fan của phim Bollywood đến với một số quốc gia như Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Australia. Việt Nam có tiềm năng rất lớn để có thể thu hút khách Ấn Độ theo cách này. Bên cạnh đó, Việt Nam cần quan tâm đến mức giá và vấn đề thị thực dành cho khách Ấn để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực. Ví dụ, Thái Lan hay một số nước ASEAN khác đã có chính sách visa dành riêng cho khách Ấn Độ như có phí ưu đãi và cấp visa tại cửa khẩu.
Nhằm khắc phục vấn đề thiếu thông tin về điểm đến Việt Nam, mới đây, Tổng cục Du lịch đã tổ chức chương trình Famtour mời các hãng lữ hành và thông tấn báo chí hàng đầu Ấn Độ đến thăm quan các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam như TP Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội, Vịnh Hạ Long... Một điều đáng mừng nữa là rào cản về thiếu đường bay thẳng đã được cải thiện. Ngày 5/11, đường bay thẳng nối New Delhi và Mumbai với TP Hồ Chí Minh qua Bangkok của Hãng hàng không Jet Airways đã chính thức được khai trương. Trong thời gian tới, Vietnam Airlines và Vietjet Air cũng dự kiến sẽ mở những chuyến bay thẳng từ Hà Nội tới Ấn Độ trong thời gian tới. Riêng vấn đề ẩm thực, ông Đinh Ngọc Đức – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) cho biết: “Sắp tới sẽ có các chương trình giao lưu, mời đầu bếp Ấn Độ sang để giới thiệu về ẩm thực nước này, cách chế biến món ăn cho các nhà hàng, khách sạn Việt Nam. Và nếu khách Ấn Độ đến Việt Nam ngày càng nhiều thì các nhà hàng và ẩm thực Ấn Độ sẽ tăng lên”.
Tin rằng, với hàng loạt tiến triển trong hợp tác du lịch Việt Nam - Ấn Độ và những giải pháp cụ thể, khoảng trống hiện nay sẽ được khỏa lấp và mục tiêu đón 100.000 lượt khách Ấn Độ của ngành du lịch sẽ được hiện thực hóa trong thời gian không xa.
“Bộ VHTT&DL đã chính thức đề xuất bỏ visa cho thị trường Ấn Độ, đồng thời tăng cường hoạt động quảng bá xúc tiến tại thị trường Ấn Độ với những nhiệm vụ cụ thể nhằm siết chặt thêm mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa ngành du lịch hai nước”- Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn |