Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị toàn quốc về du lịch 2023

Huy động mọi nguồn lực công tư để phát triển du lịch bền vững

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Hội nghị toàn quốc về du lịch 2023 có chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển" với nhiều nội dung quan trọng diễn ra sáng nay (15/3). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Báo cáo kết quả ngành du lịch đón khách Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng thông tin, năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, tổng số khách du lịch nội địa ước đạt trên 101,3 triệu lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng.

Riêng trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón 1,8 triệu lượt khách quốc tế, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước, đồng thời phục vụ 20 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85.600 tỷ đồng.

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc về du lịch 2023
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc về du lịch 2023

Mặc dù đạt được một số kết quả tích cực song ngành du lịch vẫn còn phục hồi chưa được như kỳ vọng. Trong đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 mới chỉ bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra (5 triệu lượt). Con số này cũng ít hơn nhiều so với 18 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch Covid-19.

Du lịch Việt Nam cũng đang chịu sức ép không nhỏ trong cuộc đua cạnh tranh hút khách quốc tế với một số thị trường như Thái Lan, Singapore, Indonesia... để đạt mục tiêu đón 8 triệu lượt năm nay.

Nguyên nhân khiến Việt Nam còn hạn chế trong việc hấp dẫn khách quốc tế được chỉ ra liên quan tới visa còn hạn chế, số lượng miễn thị thực còn ít (hiện mới có 25/200 nước được miễn thị thực), thời gian lưu trú ngắn... Các doanh nghiệp du lịch cũng cho biết họ gặp nhiều khó khăn khi mở cửa lại thị trường như thiếu vốn, thiếu lao động sau mấy năm gián đoạn vì dịch Covid-19.

Ngoài ra, tình hình chính trị trên thế giới với nhiều diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng đến hoạt động của hàng không và lữ hành; chi phí, giá cả tăng cao, sản phẩm du lịch còn hạn chế cũng ảnh hưởng đến quyết định của du khách.

Khách du lịch thăm quan Hà Nội tại hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoài Nam
Khách du lịch thăm quan Hà Nội tại hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoài Nam

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, ngày 15/3/2022 khi dịch Covid-19 đang ở đỉnh cao nhưng Việt Nam vẫn quyết định mở cửa ngành du lịch, kinh tế, giáo dục đến nay quyết định này mang tính đúng đắn vừa kiểm soát dịch bệnh vừa phát triển kinh tế. Việt Nam đã mở cửa sớm để đón khách nhưng kết quả chưa được như mong muốn, vì vậy cần đánh giá rút kinh nghiệm từ đó đưa ra  nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những khó khăn để ngành du lịch phát triển nhanh và bền vững thành ngành kinh tế mũi nhọn.

“Thời gian tới ngành du lịch nên có những giải pháp huy động nguồn lực công tư, chính sách visa, quảng bá xúc tiến, nâng cấp cơ sở hạ tầng… để phát triển du lịch. Du lịch không thể phát triển bền vững nếu như cơ sở hạ tầng, xúc tiến, quảng bá không phát triển, muốn làm được điều này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần vào cuộc” - Thủ tướng nêu rõ. Để ngành du lịch phát triển Thủ tướng gợi ý “Thời gian tới các cấp các ngành nên phát triển phong trào xây dựng môi trường xanh sạch đẹp qua đó phát triển kinh tế và ngành du lịch bền vững”.