Theo thống kê của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình số -2-CTr/TU của Thành ủy từ đầu năm 2016 đến tháng 7/2020 là gần 56.513 tỷ đồng. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới của TP vào khoảng 11.796 tỷ đồng.
Cùng với ngân sách T.Ư hỗ trợ 58 tỷ đồng, TP đã chủ động bố trí hơn 20.912 tỷ đồng để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, hỗ trợ trực tiếp gần 6.974 tỷ đồng, hỗ trợ theo dự án lồng ghép khoảng 13.938 tỷ đồng. Ngân sách huyện và xã cũng đã cân đối bổ sung lần lượt: 29.276 tỷ đồng và 1.456 tỷ đồng cho mục tiêu phát triển tam nông.
Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, TP đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các thành phần kinh tế, tầng lớp Nhân dân chung tay ủng hộ, đóng góp sức người, sức của. Từ năm 2016 đến nay, tổng nguồn vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước cho chương trình phát triển tam nông là gần 4.813 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp của Nhân dân (bằng ngày công lao động trực tiếp, hiến đất làm các công trình công cộng...) là gần 1.977 tỷ đồng; vốn DN, hợp tác xã chung sức khoảng 2.038 tỷ đồng; các nguồn vốn khác xấp xỉ 799 tỷ đồng.
Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, việc đa dạng hóa phương pháp thông tin, tuyên truyền trong thời gian dài đã góp phần nâng cao nhận thức của đại bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, trách nhiệm, từ đó đóng góp tích cực cho Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Chí, Hà Nội phấn đấu hết năm 2020 có thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao và ít nhất 5 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận Huyện nông thôn mới. Để hiện thực hóa được mục tiêu trên, đòi hỏi về nguồn lực đầu tư rất lớn.
Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của các cấp, ngành là tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để huy động đa dạng nguồn lực từ các thành phần kinh tế. Đối với việc sử dụng nguồn vốn, các địa phương cần tập trung đầu tư cho những xã về đích nông thôn mới năm 2020; thực hiện đầu tư bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh dàn trải, gây lãng phí nguồn lực.