Huy động trái phiếu cân đối nợ công và đảm bảo tái cơ cấu thị trường

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ Bộ Tài chính, năm 2016 hoạt động của thị trường trái phiếu có sự tăng trưởng và phát triển mạnh so với các năm trước, đáp ứng được yêu cầu huy động vốn của Chính phủ, các địa phương và doanh nghiệp.

Theo đó, năm 2016 tổng dư nợ thị trường trái phiếu đạt hơn 27% GDP, tăng gần 3% so với năm 2015. Trong đó, dư nợ trái phiếu chính phủ bằng khoảng 18,7% GDP, tăng gần 2,6% so với năm trước; trái phiếu doanh nghiệp huy động đạt khoảng 4,27% GDP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là 3,59% GDP và trái phiếu chính quyền địa phương là 0,61% GDP.
Phát hành trái phiếu chính phủ năm 2016 tăng 32% so với năm 2015. Ảnh minh họa.
Khối lượng huy động vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu chính phủ tăng 32% so với năm 2015, đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, kỳ hạn phát hành được cải thiện rõ rệt bình quân 8,68%/năm, tăng 1,7/năm so với năm trước.

Trên cơ sở tăng nguồn huy động và tăng thời gian trả nợ, không chỉ giúp cho Bộ Tài chính câu đối được ngân sách Nhà nước mà còn tái cơ cấu thị trường và cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ. Kỳ hạn trả nợ của danh mục trái phiếu chính phủ lên mức 5,63 năm vào thời điểm cuối năm 2016, cao hơn 1,19 năm so với thời điểm cuối năm 2015.

Chỉ riêng HNX, năm 2016 đã huy động thành công gần 281.750 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ qua đấu thầu, vượt kế hoạch đã điều chỉnh của cả năm. Trong đó, 90% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, vượt mục tiêu do Quốc hội đề ra là 70% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên.

Cơ cấu nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu chính phủ cũng được thay đổi tích cực, giảm tỷ lệ các ngân hàng thương mại nắm giữ vốn trái phiếu sang các công ty bảo hiểm, bảo hiểm xã hội và các quỹ đầu tư, tạo ra sự bền vững cho hoạt động đầu tư trái phiếu.

Cùng với đó, năm 2016, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng tăng cả về số doanh nghiệp huy động vốn và khối lượng huy động vốn. Thông qua phát hành trái phiếu, các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước đã huy động được 78.000 tỷ đồng vốn phục vụ cho nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng 80% so với năm trước, với dư nợ chiếm khoảng 4,27% GDP của nền kinh tế, tăng gần 1% so với năm trước, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh huy động vốn qua phát hành trái phiếu.