Không xảy ra ngộ độc trong 4 tháng
Hoạt động sản xuất thực phẩm của huyện Ba Vì tập trung chủ yếu vào các mặt hàng nông sản có thế mạnh như: sữa, chè, miến dong, gà đồi, rau, thủy sản. Hiện trên địa bàn có 2.735 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; 1 trung tâm thương mại, 1 siêu thị và 23 chợ. Huyện đã xây dựng được trên 130 sản phẩm thực phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Theo Trưởng phòng Y tế huyện Ba Vì Hoàng Xuân Trường, từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 4, huyện Ba Vì đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các xã, thị trấn, chủ yếu là phổ biến kế hoạch triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2024. Cùng với đó, huy động các ban, ngành, đoàn thể tham gia giám sát cộng đồng, phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm ATTP để xử lý kịp thời. Đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.
“Triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2024, huyện Ba Vì đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra. Các đoàn đã kiểm tra, giám sát 106 cơ sở, trong đó 3 cơ sở vi phạm bị và phạt tiền 15 triệu đồng. Việc đảm bảo ATTP không chỉ trong Tháng hành động vì ATTP mà xuyên suốt trong năm” – ông Hoàng Xuân Trường nhấn mạnh.
Nhiều năm qua, Ban chỉ đạo ATTP huyện có sự phối hợp đồng bộ giữa các phòng, ban, ngành. Nhờ đó, công tác quản lý ATTP được triển khai thuận lợi. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn trong quản lý bởi số lượng cơ sở thực phẩm trên địa bàn lớn, nhưng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh theo mùa vụ, hạn chế đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến. Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn tồn tại trong dân cư phần nào gây ô nhiễm môi trường.
Bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP. Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật về ATTP, kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao cũng như công khai các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, ATTP. “Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2024 với chủ đề: "Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới", huyện đã tập trung thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm các cơ sơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền để các cơ sở tuân thủ quy định về ATTP cũng như khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn. Huyện cũng kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP” – ông Nguyễn Đức Anh nhấn mạnh.
Công tác quản lý ATTP triển khai đến tận cơ sở, địa bàn. Đơn cử, xã Tản Lĩnh có 52 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, địa phương đã triển khai đợt cao điểm về kiểm tra, giám sát ATTP. Các cơ sở đều chấp hành tốt qui định đề ra. Không chỉ xã Tản Lĩnh, một số xã như: Yên Bài, Minh Châu, Khánh Thượng, Vật Lại, thị trấn Tây Đằng… luôn duy trì các đoàn kiểm tra, giám sát và tuyên truyền về ATTP cho người dân.
“Việc tuyên truyền triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú thông qua hệ thống truyền thanh, fanpage… tập trung vào các hộ kinh doanh thực phẩm, các đám cỗ trên địa bàn. Đặc biệt, đối với các xe di chuyển bán hàng tại cổng trường cũng được tuyên truyền và giám sát thường xuyên. “Bên cạnh đó, huyện cũng yêu cầu hệ thống trường học làm tốt công tác đảm bảo ATTP, nhất là các trường mầm non, tiểu học có bếp ăn bán trú. Trong đó, tập trung vào nội dung quan trọng như kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu sản phẩm, có sổ ghi chép hàng ngày. Thực phẩm phải lấy tại các cơ sở được cấp phép, được cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm soát về ATTP”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh nhấn mạnh.
“Thời gian tới, huyện Ba Vì tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về ATTP cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh; duy trì thường xuyên việc kiểm tra, giám sát các cơ sở, tích cực lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm để cảnh báo nguy cơ, đồng thời, xử lý nghiêm vi phạm, bảo đảm cung ứng nguồn thực phẩm an toàn cho thị trường” - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng.