Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Tống Văn Thái, năm 2023, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn đã triển khai, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống thiên tai từ tháng 4, tập trung vào kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình đê điều, cầu cống, trạm bơm tiêu, hồ đập, các kênh tiêu. Đảng ủy, UBND xã thành lập các tổ phòng, chống thiên tai; xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, sơ tán dân, bảo vệ đê điều, hồ đập, phục hồi sản xuất, chống lũ rừng ngang, lũ ống, lũ quét... Huyện đã tổ chức 4 lớp tập huấn kiến thức cho đội ngũ xung kích phòng, chống thiên tai các xã, thị trấn với tổng số lượt người tham gia là 585 người. Chuẩn bị sẵn sàng các loại dụng cụ, vật tư trang thiết bị đã tập kết sẵn trong kho của Ban chỉ huy quân sự huyện (xuồng máy ST 450 (6 chiếc), máy đẩy Yamaha 25 HP (02 chiếc)…
Toàn bộ 32/32 xã, thị trấn xây dựng và củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cấp xã trên địa bàn với tổng số người tham gia là 4.792 người. Chỉ đạo UBND xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân chủ động dự trữ cây con, giống, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc vệ sinh tiêu độc môi trường chăn nuôi đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, khôi phục sản xuất khi có sự cố thiên tai, mưa bão, ngập úng xảy ra trên địa bàn.
Tuy nhiên, một số địa phương xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn sơ sài, chưa thực hiện tốt công tác chuẩn bị “4 tại chỗ” nhất là vật tư, phương tiện phục vụ phòng, chống thiên tai. Nguyên nhân là do huyện Chương Mỹ có địa hình phức tạp, các công trình phòng, chống thiên tai còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu, quy hoạch chưa đồng bộ hoàn chỉnh. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai ở một số xã, thị trấn chưa chưa sâu sát, còn chủ quan, thiếu chủ động.
Ông Tống Văn Thái cho biết, năm 2004, huyện sẽ tập trung huy động tổng hợp nguồn lực để chủ động tiêu úng cho trên 9.000ha lúa mùa và trên 1.150ha hoa màu; làm tốt công tác phòng, chống bão, úng để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra. Khi có tình huống mưa, lũ rừng ngang (lũ ống, lũ dồn, lũ quét) từ Hoà Bình đổ về, phải chủ động sơ tán triệt để, các vùng thấp đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản. Kịp thời ổn định sản xuất và đời sống, khắc phục nhanh hậu quả sau khi nước rút. Bảo vệ an toàn hệ thống đê, hồ, đập, nhất là đê tả Bùi, đê Tích. Chủ động và có phương án bảo vệ an toàn 3 hồ là Đồng Sương, Văn Sơn và Miễu, sửa chữa, cải tạo các vị trí đê, kè bị hư hỏng do mưa lũ gây ra. Khi có bão, gió lốc, hạn hán, động đất, sạt lở đất xảy ra, phải chủ động đối phó và khắc phục hậu quả kịp thời. Thực hiện có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ.
Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ (một trong những địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang) Lê Hoài Thi cho biết, để đảm bảo công tác phòng chóng thiên tai, xã đã chuẩn bị lực lượng xung kích gồm 200 người, mua 10 ngàn bao tải, 2000 khối đất đá, 500 cọc tre, 5 xe cơ giới để đối phó; có phương án sơ tán người dân khi lũ rừng ngang đổ về.
Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Văn Thắng thông tin, địa hình xã được chia thành 2 khu vùng, vùng ven sông Bùi (thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang) và vùng đồi núi (hơn 500 ha rừng). Do đó xã phải xây dựng cả phương án chống lũ và chống hạn, phòng chống cháy rừng! Vì vậy Nam Phương Tiến rất cần khắc phục những đoạn đê xuống cấp, xem xét lại cao trình đê sông Bùi II, xây dựng các tuyến đường thoát lũ để nhân dân đi lại khi lũ rừng ngang đổ về…, do đó, đề nghị các đơn vị thi công các công trình tiêu thoát lũ đẩy nhanh tiến độ…
Ghi nhận thành tích của tập thể, cá nhân trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, UBND huyện Chương Mỹ đã khen thưởng 6 tập thể và 9 cá nhân.