Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Chương Mỹ: khôi phục sản xuất, ổn định đời sống sau lũ

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến sáng 7/8, huyện Chương Mỹ chỉ còn vài ngõ xóm ở xã Nam Phương Tiến chưa rút hết nước. Các địa phương đang tích cực tổng vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, ổn định đời sống và từng bước khôi phục sản xuất sau lũ.

Ngày 7/8, theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ, đợt lũ vừa qua đã có 721m kênh mương bị hỏng, 200m đê bị rò rỉ, 103 cầu, cống, đập bị hư hỏng; 2.000m đường giao thông nông thôn, 13.000m đường nội đồng bị ngập; 1.099ha lúa, 354ha rau màu, 243ha cây ăn quả, 1.587ha thủy sản, 4.893 con gia súc và 208.998 gia cầm bị ảnh hưởng. 

Các đơn vị  giúp xã Nam Phương Tiến vệ sinh môi trường tại thôn Nhân Lý, sáng ngày 7/8.
Các đơn vị  giúp xã Nam Phương Tiến vệ sinh môi trường tại thôn Nhân Lý, sáng ngày 7/8.

Huyện đã huy động 4.721 người và 199 phương tiện tham gia chống lụt (các đơn vị quân đội cử 450 người, 13 xe các loại, 4 xuồng máy). Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn triển khai kê kích tài sản, di dời dân đến khu vực an toàn, triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.

Trước đó, từ ngày 30/7, UBND huyện đã tạm cấp kinh phí cho xã Nam Phương Tiến mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa, nhu yếu phẩm cung cấp cho các hộ dân trong vùng ảnh hưởng với số tiền 810 triệu đồng. Đến ngày 1/8, cấp 337,7 triệu đồng cho Trung tâm Y tế mua thuốc, vật tư phòng, chống chống dịch bệnh và khắc phục xử lý bệnh trên địa bàn huyện sau mưa bão. 

Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống lũ ở xã Nam Phương Tiến.
Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống lũ ở xã Nam Phương Tiến.

Đến ngày 3/8, tạm cấp hỗ trợ xã TânTiến kinh phí mua lương thực, hàng hóa nhu yếu phẩm hỗ trợ tới các hộ dân bị ảnh hưởng số tiền 265,4 triệu đồng. Từ 7h30’ sáng 1/8, UBND các xã, thị trấn bị ngập đồng loạt triển khai ra quân làm công tác vệ sinh môi trường với phương châm nước rút đến đâu vệ sinh khử khuẩn đến đó, để đời sống Nhân dân sớm ổn định và dần phục hồi sản xuất.

Đến 7h00’ ngày 6/8, số nhân khẩu phải sơ tán cơ bản đã trở về vệ sinh nhà cửa. Toàn huyện đã huy động 220 cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội, gần 1.000 dân quân và cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên cùng 12 phương tiện tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn trường học phục vụ cho năm học mới. Tiếp tục tập trung kiểm kê, xác minh thiệt hại và các hoạt động phục hồi đời sống và sản xuất. 

Lũ rút, gia đình ông Nguyễn Văn Độ (thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến) bắt tay vào sản xuất hàng thủ công mây tre đan.
Lũ rút, gia đình ông Nguyễn Văn Độ (thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến) bắt tay vào sản xuất hàng thủ công mây tre đan.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, nước rút đến đâu, huyện chỉ đạo các xã tập trung nhân lực, tổng vệ sinh môi trường. Thu dọn rác thải, phun khử khuẩn, đảm bảo không để phát sinh dịch bệnh. Các phòng, ban chủ động triển khai phương án đảm bảo cứu trợ, ổn định đời sống người dân. Do vậy, trong suốt thời gian bị ảnh hưởng do lũ, người dân luôn được cấp nước uống, lương thực, thực phẩm thiết yếu và hỗ trợ khám chữa bệnh, thuốc men. Để phục hồi sản xuất (với những vùng bị ngập sâu), sau khi nước rút cạn sẽ trồng các loại rau và cây vụ Đông sớm như dưa chuột, cà chua, rau các loại... Tiếp tục kiểm tra, đánh giá sự cố các công trình giao thông, hạ tầng, nhà ở, đê điều, thủy lợi. Kiểm soát, hướng dẫn xử lý dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, vật nuôi. 

Bí thư huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng (thứ ba từ trái sang) kiểm tra công tác vệ sinh môi trường tại xã Nam Phương Tiến, trưa 7/8.
Bí thư huyện ủy Chương Mỹ Nguyễn Văn Thắng (thứ ba từ trái sang) kiểm tra công tác vệ sinh môi trường tại xã Nam Phương Tiến, trưa 7/8.

Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng cho biết, cùng với sự hỗ trợ của các đơn vị công an, bộ đội, chính quyền và người dân nơi đây đang đồng loạt tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm. Phấn đấu đến ngày 10/8, môi trường toàn xã sẽ được dọn sạch sẽ. Vẫn theo ông Thắng, để tái sản xuất, lúc này Nam Phương Tiến cần hỗ trợ khoảng 60ha ngô giống, 50ha rau màu, 90ha thủy sản và con giống gia súc, gia cầm… Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Độ (thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến) cho biết, do lũ về nhanh, xoay xở không kịp nên khoảng 500kg mây song và 2 máy uốn khuôn bị hỏng do ngập nước, thiệt hại khoảng trên 100 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi nước rút, với số nguyên liệu còn lại, gia đình ông đã khẩn trương bắt tay vào sản xuất để kịp các đơn hàng đã ký hợp đồng gia công từ trước lũ. 

Sáng 7/8, đường làng, ngõ xóm tiếp tục được vệ sinh, hàng quán đã mở cửa, cuộc sống bình thường đang từng bước trở lại xã Nam Phương Tiến - nơi cách đây khoảng 1 tuần được coi là “rốn lũ” của huyện Chương Mỹ.