Để giảm thiểu tổn thất do thiên tai trong năm 2024, huyện Chương Mỹ yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai nhiều giải pháp, với phương châm “3 sẵn sàng” và “4 tại chỗ”.
Nhìn nhận thẳng thắn
Nam Phương Tiến, Thủy Xuân Tiên, Hoàng Văn Thụ, thị trấn Xuân Mai được coi là 4 địa phương trọng điểm về thiên tai của huyện Chương Mỹ. Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng cho biết, trên địa bàn xã hiện còn nhiều vị trí đê hữu Bùi và một số tuyến giao thông nông thôn, giao thông nội đồng hoặc là bị hư hỏng, xuống cấp hoặc thiếu cao trình không bảo đảm năng lực chống lũ rừng ngang, đáp ứng nhu cầu đi lại, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nếu xảy ra mưa lũ lớn, Nam Phương Tiến có 842 hộ dân tương ứng 4.462 nhân khẩu bị ảnh hưởng; trong đó có 687 ngôi nhà bị ngập lụt.
"Mặt khác, địa hình xã được chia thành 2 khu vùng, vùng ven sông Bùi (thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang) và vùng đồi núi (hơn 500ha rừng). Do đó, xã phải xây dựng cả phương án chống lũ và chống hạn, phòng chống cháy rừng" - ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết thêm.
Không riêng Nam Phương Tiến, lãnh đạo và người dân các xã, thị trấn Xuân Mai, Thủy Xuân Tiên, Hoàng Văn Thụ... cũng bày tỏ nỗi lo trong mùa thiên tai năm nay là mưa lớn, lũ rừng ngang đổ về gây thiệt hại sản xuất nông nghiệp, ngập lụt khu dân cư.
Tại lễ tổng kết công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ Đỗ Việt Dũng thẳng thắn, mặc dù các cấp, ngành của huyện Chương Mỹ và TP Hà Nội quan tâm đầu tư nhưng hiện nay vẫn còn một số công trình xây dựng từ lâu đã xuống cấp, khó đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu úng (các trạm bơm Chi Lăng 1, Chi Lăng 2, Hoàng Diệu, Thượng Phúc, Đầm Mới, An Vọng, An Sơn).
Bên cạnh đó, nhiều tuyến kênh bị bồi lắng, lòng kênh bị lấn chiếm thu hẹp dòng chảy dẫn tới hiệu quả tiêu thoát nước thấp. “Hiện trên địa bàn huyện Chương Mỹ còn tồn tại 1.077 vụ vi phạm pháp luật về thủy lợi chưa được xử lý dứt điểm; trong đó có 998 vụ xâm hại công trình, 79 vụ xả nước thải chưa qua xử lý vào các tuyến kênh mương...” - ông Đỗ Việt Dũng thông tin thêm.
Đánh giá về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện năm 2023, Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ Tống Văn Thái thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế.
Đó là một số đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, phương án phòng thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn sơ sài; chưa thực hiện tốt công tác chuẩn bị “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ”, nhất là vật tư, phương tiện và chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo xử lý, giải tỏa vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi, phòng, chống thiên tai...
Chủ động phương án ứng phó
Theo dự báo, từ tháng 6 đến tháng 10, trên các sông của Hà Nội có khả năng xuất hiện 5 - 9 trận lũ với biên độ lũ lên từ 1 - 3m. Các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ... đề phòng nguy cơ sạt lở đê kè xung yếu; sạt lở đất ở vùng đồi núi; ngập lụt vùng trũng thấp, ven các sông Bùi, Tích, Cà Lồ...
Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ Nguyễn Văn Hiệp
“Sống chung với lũ rừng ngang” lâu nay đã là phương châm sống của người dân khu vực đê tả Bùi. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Bí thư Đảng ủy xã Nam Phương Tiến Trần Thị Thu Hằng cho biết, xã có 4 thôn là Nam Hài, Hạnh Bồ, Nhân Lý và Hạnh Côn, với diện tích đất sản xuất khoảng 270ha thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang. Để phát triển kinh tế, thích ứng với diễn biến của mưa lũ, về vụ Mùa, xã khuyến cáo người dân chuyển cấy lúa sang trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi thủy sản.
Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ Lê Hoài Thi cho biết, để đối phó với mùa mưa bão năm 2024, xã đã xây dựng lực lượng xung kích phòng thiên tai và tìm kiếm cứu nạn gồm 200 người và đề nghị đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn hỗ trợ 200 - 300 cán bộ, chiến sĩ. Xã cũng ký hợp đồng mua 10.000 bao tải, 2.000m3 đất đá, 500 cọc tre, chuẩn bị 5 xe cơ giới... sẵn sàng triển khai phương án sơ tán Nhân dân, bảo đảm an toàn công trình phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn...
Trong khi đó, các xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Quảng Bị, Tốt Động, Văn Võ, Hoàng Diệu, Lam Điền... đang nóng lòng và đề nghị các cấp, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp đê tả Bùi, hữu Đáy. Đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông nông thôn và nội đồng; có chính sách đặc thù hỗ trợ người dân vùng thường xuyên bị thiên tai về học phí, giống, vật tư sản xuất nông nghiệp...
Liên quan những kiến nghị trên, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ huy phòng thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức giao cơ quan thường trực tổng hợp, đề xuất cơ quan thẩm quyền xem xét giải quyết.
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyệt đối không chủ quan hoặc để bị động, bất ngờ trong ứng phó các tình huống thiên tai. Trong đó phải khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế đã nêu. Khẩn trương xây dựng, sẵn sàng triển khai phương án phòng thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “3 sẵn sàng” (chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó, khắc phục khẩn trương và hiệu quả) và “4 tại chỗ”...
Để ứng phó trước diễn biến khó lường của tình hình thời tiết năm 2024, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình đê điều, thủy lợi. Rà soát, thống kê khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; kiểm kê, bổ sung đủ vật tư dự trữ cần thiết cho việc xử lý tại chỗ... Các xã, thị trấn tập trung đắp bờ khoanh vùng (khép kín khu tiêu), khơi thông các kênh tiêu và tu sửa cầu cống. Đồng thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi, phòng, chống thiên tai.
Mục tiêu cụ thể trong phòng thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 của huyện Chương Mỹ là phát huy năng lực các công trình hiện có, huy động tổng hợp nguồn lực, chủ động tiêu úng cho trên 9.000ha lúa Mùa và trên 1.150ha hoa màu. Làm tốt công tác phòng, chống bão để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra. Khi có tình huống mưa, lũ rừng ngang (lũ ống, lũ dồn, lũ quét) từ Hòa Bình đổ về, phải chủ động sơ tán triệt để các vùng thấp, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản.