Tuyến đê này bắt đầu từ núi Đìa (xã Tiên Phương) qua các xã: Ngọc Hòa, Phú Nghĩa đến thôn Đồi 1 (xã Đông Phương Yên). Đê nằm ở phía bên trái Quốc lộ 6, hướng Hà Nội đi Hòa Bình. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuyến đê này được xây dựng từ năm 1971 - nhiệm vụ là chống lũ khi xảy ra tình huống chuyển lũ từ sông Hồng vào sông Đáy; để bảo vệ hệ thống đê điều khu vực nội thành Hà Nội. Tuyến đê hình thành chủ yếu dựa vào nền Quốc lộ 6 cũ; mặt đê rộng 2m, mái thượng lưu cao 2m; mái hạ lưu cao 1,5m. Vào năm 1971, kỹ thuật đắp đê được tiến hành theo lối áp trúc, đầm lèn thủ công...
Sau hơn 50 năm hình thành, đến nay tuyến đê này có tới 31 vị trí mở, kết nối Quốc lộ 6 với đường vào các thôn, xã và nhà riêng của người dân. Trong đó có 7 điểm giao cắt với quốc lộ 6 với trục đường liên xã, liên thôn, mỗi điểm rộng từ 5 đến 10m. Đáng chú ý, phần lớn các cửa mở này không có văng phai. Đặc biệt, đoạn đi qua xã Trường Yên, Đông Phương Yên tồn tại 27 công trình nhà ở, xưởng sản xuất xây dựng trong hành lang bảo vệ đê, 5 cột điện của đường dây trung thế nằm trên mặt đê...
Một người dân xã Trường Yên cho biết, những vi phạm này đã xảy ra từ nhiều năm trước; nhưng chưa được các cấp chính quyền địa phương xử lý triệt để. Về việc này, Chủ tịch UBND xã Trường Yên Trần Văn Hiển thừa nhận, tuyến đê (đoạn qua địa bàn) còn tồn tại nhiều vụ vi phạm, nhưng những vi phạm này xảy ra từ năm 2018 trở về trước, và UBND xã đã lập biên bản ngăn chặn, yêu cầu hộ gia đình hoàn trả hiện trạng ban đầu. “Khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý và xử lý những vi phạm này là đê chưa có mốc giới hành lang bảo vệ. Hơn nữa, từ khi hình thành cho đến nay, tuyến đê gần như không được không được đầu tư kinh phí tu bổ, sửa chữa...” - Chủ tịch UBND xã Trường Yên Trần Văn Hiển cho biết thêm.
Ghi nhận thực tế, tuyến đê này không những bị “băm nát” bởi hàng chục điểm tự ý mở lối đi lại, mất hoàn toàn công năng, những đoạn còn sót lại thì cỏ mọc um tùm, trở thành nơi đổ phế liệu tre gỗ và rác thải sinh hoạt của người dân.
Khi được hỏi, người dân các xã Trường Yên, Đông Phương Yên đều đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu và nên bỏ tuyến đê này để tạo quỹ đất mở rộng Quốc lộ 6. Từ đó, hạn chế việc thu hồi đất, giảm kinh phí bồi thường, xây dựng khu tái định, thúc đẩy tiến độ bàn giao mặt bằng thi công mở rộng Quốc lộ 6. Chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên Phan Ngọc Huấn cho biết, xã đã nhận được kiến nghị (lần thứ hai) của 58 hộ dân về việc phá bỏ tuyến đê này. UBND xã rất mong các cơ quan chức năng sớm giải đáp ý kiến của người dân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực hiện Nghị định 04/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về việc bãi bỏ sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng và Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 7/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy, ngày 8/10/2014, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 5175/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục các tuyến đê phân cấp quản lý. Theo các quyết định trên, tuyến đê nói trên không có trong danh mục xóa bỏ và cũng chưa được phân cấp quản lý…
Vị đại diện phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết, hiện nay huyện không có hồ sơ bản vẽ hoàn công và hồ sơ quản lý tuyến đê nói trên. Việc này dẫn đến khó khăn trong việc xác định chân đê, hành lang chân đê. Dù vậy, hằng năm, huyện vẫn xây dựng các phương án bảo vệ tuyến đê khi xảy ra tình huống phân lũ từ sông Hồng vào sông Đáy.
Để giải quyết kiến nghị của người dân, huyện Chương Mỹ đã có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội hướng dẫn xác định hành lang bảo vệ các tuyến đê chưa được phân cấp (trong đó có đê nói trên); để làm cơ sở xác định mức độ và xử lý vi phạm. Theo phúc đáp của Sở NN&PTNT Hà Nội tại văn bản 194/SNN-TLPCTT ngày 30/1/2023, các quy định pháp luật hiện hành không đề cập đến việc quản lý hành lang bảo vệ đối với những tuyến đê chưa phân cấp.
Được biết, liên quan đến ý kiến của người dân đề nghị mở rộng Quốc lộ 6 về phía đoạn đê trên, Sở GTVT Hà Nội đã chuyển Sở Quy hoạch kiến trúc xem xét trả lời. Ngày 7/11/2023, Sở QHKT có văn bản 5471/QHKT-HTKT-TTr đề nghị huyện Chương Mỹ, Sở GTVT đề xuất giải pháp cụ thể. Đến nay, việc giữ hay phá bỏ tuyến đê nói trên vẫn là câu chuyện chưa có lời giải cuối cùng.