Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Chương Mỹ phải “rút kinh nghiệm” vì để dân tự chôn lợn chết

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã nêu ý kiến trên tại cuộc làm việc với huyện Chương Mỹ vào ngày 5/6, liên quan tới công tác ứng phó bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Lãnh đạo TP đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc, qua xác minh, địa phương thừa nhận có sự việc hộ chăn nuôi tự ý chôn lấp lợn chết do mắc dịch tả châu Phi. Theo đó, 1 hộ dân xã Tiên Phương có một vài con lợn bị chết (trong tổng đàn hàng chục con), đã tự ý đem chôn lấp ngay trong vườn nhà, gây ảnh hưởng đến một số hộ dân sinh sống xung quanh.
“Sau khi xác định hộ này có lợn chết, chính quyền xã đã lên phương án tiêu hủy vào thứ 2 - ngày 3/6. Tuy nhiên, tối Chủ nhật - ngày 2/6 thì hộ này đem chôn lợn…” - ông Ngọc cho biết. Theo lý giải trong biên bản làm việc thì hộ này cho hay: Sở dĩ đem lợn chết đi chôn vì lo sợ sẽ phải… tiêu hủy cả đàn!
Dù vậy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu không đồng tình với cách lý giải trên. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, địa phương đã chưa làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền khiến người dân loay hoay, có cách xử lý không đúng khi có lợn bị mắc dịch tả châu Phi.
“Khi phát hiện hộ chăn nuôi có lợn bị bệnh thì phải tập trung xử lý ngay. Không thể để người dân tự ý chôn lấp như vậy. Tôi đề nghị xã, huyện cần phải rút kinh nghiệm qua vụ việc này…” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu nói.
Đối với nhiệm vụ thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Văn Sửu đề nghị huyện Chương Mỹ nói riêng, các quận, huyện, thị xã có dịch tả lợn châu Phi nói chung tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, không chỉ để các hộ chăn nuôi nghiêm túc thực hiện các giải pháp khống chế dịch tả lợn châu Phi, mà còn nhằm khuyến khích và vận động người tiêu dùng “không quay lưng” với thịt lợn.
Đồng thời, nghiêm túc thực hiện việc không tái đàn vào thời gian dịch bệnh đang diễn ra. Đặc biệt, các địa phương cần rà soát, bố trí địa điểm chôn lấp lợn phải tiêu hủy; nếu thiếu đất công để chôn lấp thì nghiên cứu cơ chế đền bù, tiêu hủy trên đất nông nghiệp; tuyệt đối không để người dân vứt lợn chết ra ngoài môi trường…