Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Đan Phượng: Đào tạo nghề 6 tháng chỉ đạt 25% kế hoạch

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND huyện Đan Phượng vừa có báo cáo rà soát kết quả công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn 6 tháng đầu năm 2018.

Theo đó, từ đầu năm 2018 đến nay, huyện đã tổ chức được 3 lớp đào tạo nghề trồng cây ăn quả cho lao động nông nghiệp. Trong đó, 2 lớp tổ chức tại xã Liên Hồng và 1 lớp tại xã Tân Lập. Tổng số học viên tham gia học nghề là 103 người. Con số này chỉ đạt khoảng 25% so với kế hoạch đề ra.
 Công nhân một xưởng mộc tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng 
Dự kiến 6 tháng cuối năm, huyện Đan Phượng tiếp tục khảo sát nhu cầu học nghề, lập danh sách, hồ sơ học viên và mở các lớp đào tạo nghề. Phấn đấu khai giảng trong tháng 7 gồm 7 lớp đào tạo nghề, trong đó có 5 lớp trồng cây ăn quả tại xã Song Phượng, Thọ Xuân, Thượng Mỗ, Thọ An và 1 lớp chăn nuôi ở xã Hồng Hà, 1 lớp trồng rau an toàn ở xã Liên Hồng với tổng số 245 học viên tham gia. Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, sẽ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động nông dân tham gia học nghề trên phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép trong các cuộc họp, buổi sinh hoạt chuyên đề của chi hội đoàn thể, thôn, xóm, tổ dân phố. Nội dung tuyên truyền tập trung vào việc phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với người lao động trong công tác đào tạo nghề, học nghề và tạo việc làm, khuyến khích xã hội hóa công tác dạy nghề.
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đoàn thể từ huyện đến xã trong công tác tuyên truyền, vận động lao động nông thôn tham gia học nghề, kiểm tra, giám sát chất lượng đào tạo, tư vấn trước và sau học nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm tại chỗ cho học viên sau khi học nghề. Tập trung tổ chức đào tạo nghề cho các đối tượng nông dân ở các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao; lao động việc làm trong các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân. Ưu tiên đào tạo lao động thuộc diện người có công với cách mạng, người khuyết tật, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động nữ bị mất việc làm...