Theo thống kê, trên địa bàn huyện Đông Anh hiện có 18 bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng. Trong đó, dọc tuyến sông Hồng có 12 bến bãi và ven sông Đuống có 6 bến bãi đang hoạt động. Trong số 18 bến bãi, 17 bãi chứa có đăng ký kinh doanh. 4/18 bãi chứa có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa còn hạn; các trường hợp còn lại chưa có, hoặc có giấy phép nhưng hết hạn. Đáng chú ý, chỉ có... 3/18 bãi chứa có xác nhận đăng ký bảo vệ môi trường.
Từ năm 2011 đến nay, huyện Đông Anh đã xử lý 39 vụ khai thác cát trái phép; xử phạt vi phạm số tiền trên 710 triệu đồng; tịch thu 540,15m3 cát đen, 23 đầu nổ, 23 đầu sên, 3 chõ hút và 439m ống cao su. |
Theo Trưởng phòng TN&MT huyện Đông Anh Nguyễn Lê Hiến, hiện, 4/18 bãi chứa có hợp đồng thuê đất với Sở TN&MT Hà Nội, 1 bãi chứa sử dụng đất có nguồn gốc phi nông nghiệp, và 1 bãi đã được UBND TP Hà Nội cho thuê đất nhưng chưa ký hợp đồng. Các bãi chứa còn lại chưa đủ điều kiện về sử dụng đất. Tổng diện tích đất bãi đang sử dụng để làm bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng dọc hai tuyến sông Hồng, sông Đuống thuộc địa bàn huyện Đông Anh là 203.000m2. Trong đó, diện tích đất vi phạm lên tới... 133.000m2.
Diện tích đất này có nguồn gốc chủ yếu là đất công thuê ở thôn xã và đất nông nghiệp người dân được giao theo Nghị định số 64/NĐ-CP của Chính phủ. Đến nay, các hợp đồng này đã hết hạn, nhưng chưa được gia hạn, hoặc đã bị thanh lý. Các hành vi vi phạm chủ yếu là lấn chiếm đất, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng để lập bến bãi trái phép.
Cần có cơ chế cho thuê bến bãiThời gian qua, công tác quản lý bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng được huyện Đông Anh đặc biệt chú trọng. Theo đó, địa phương đã xử lý được 13 bến bãi trái phép dọc hai tuyến sông Cà Lồ và sông Hồng. Từ năm 2011 đến nay, các cơ quan chức năng của huyện đã xử phạt vi phạm hành chính về đất đai, môi trường, bến thủy đối với 36 trường hợp với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Vừa qua, huyện cũng đã củng cố hồ sơ, kiến nghị xử lý hình sự 2 vụ liên quan đến sử dụng đất bãi trái phép.
Để quản lý hiệu quả hoạt động của các bến bãi, huyện Đông Anh đã chỉ đạo UBND các xã có 13 bến bãi đã được giải tỏa không để tái diễn vi phạm. Đối với 18 bến bãi còn tồn tại, huyện yêu cầu các chủ quản lý hoàn thiện hồ sơ đối với 5 bến bãi đã có hợp đồng thuê đất và phù hợp tiêu chí theo Văn băn số 6787/VP-ĐT ngày 29/8/2018 của UBND TP Hà Nội. Đối với 13 bến bãi phù hợp tiêu chí Văn bản số 6787 nhưng chưa có thủ tục về đất đai, huyện chỉ đạo đình chỉ để lập phương án đấu giá cho thuê đất.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, các bến bãi có vi phạm đa phần là tự phát, trải qua nhiều năm, việc xử lý và tái phạm cũng thường xuyên. Chính vì vậy, nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời thì việc kinh doanh của các chủ bến bãi luôn vi phạm. Không chỉ khiến ngân sách Nhà nước thất thu mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn phòng, chống thiên tai… Chính vì vậy, ông Linh đề nghị TP sớm có cơ chế đặc thù cho các tổ chức, cá nhân thuê đất để lập bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng. Trong trường hợp bến bãi phù hợp với quy hoạch, chủ sở hữu chấp hành tốt quy định pháp luật về đất đai, đề nghị TP ủy quyền cho huyện tạm thời ký hợp đồng cho thuê đất hàng năm để tạo nguồn ngân sách địa phương, cũng như có các chế tài quản lý chặt chẽ hơn.