Tham dự hội thảo, các đại biểu là nông dân, chủ trang trại trên địa bàn huyện đặc biệt quan tâm đến các loại bệnh thường gặp trên rau và cây ăn quả như: Ruồi vàng đục quả trên ổi, chuối bị nhậy, bệnh cháy mép lá, thối nhũn trên rau cải bắp, cải thảo… Đây là các loại bệnh phổ biến mà nông dân đã dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đặc trị, song đã xuất hiện hiện tượng nhờn thuốc hoặc hiệu quả không cao.
Các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp tư vấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho nông dân. |
Chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc của nhà nông, các nhà khoa học trong Ban cố vấn hội thảo đã hướng dẫn cho bà con cách phòng trừ sâu bệnh hại đơn giản, dễ làm mà vẫn hiệu quả. Đồng thời, khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV hóa học và tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách) khi sử dụng thuốc BVTV.Theo số liệu tổng hợp của UBND huyện Gia Lâm, hiện nay, toàn huyện có 6.537ha đất nông nghiệp. Năm 2016, huyện đã hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích 5.837ha. Trong đó, đất trồng cây hàng năm 5.070ha, đất trồng cây lâu năm 864ha, đất chuyển đổi nuôi trồng thủy sản 234ha và đất khác 369ha. Sản xuất nông nghiệp của huyện khá thuận lợi do dặc thù là địa phương nằm giữa 2 con sông (sông Đuống và sông Hồng). Về trồng trọt, huyện Gia Lâm đang duy trì vùng lúa với 4.900ha, rau an toàn gần 500ha, cây ăn quả và hoa, cây cảnh gần 1.000ha. Hiện, huyện đang duy trì tốt vùng sản xuất RAT tại các xã Văn Đức, Đặng Xá với giá trị thu nhập đạt trung bình 300 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, thương hiệu “Ổi Đông Dư” ngày càng được phát huy nhờ chất lượng, sản lượng ổi luôn ổn định; trên địa bàn huyện còn hình thành được một số mô hình trồng hoa cho hiệu quả kinh tế cao từ 700 triệu đồng – 1 tỷ đồng/ha/năm. Đáng chú ý, năm 2017, huyện Gia Lâm đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục xây dựng thương hiệu cho sản phẩm “Gạo nếp cái hoa vàng” - loại gạo đặc sản của địa phương. Về chăn nuôi, huyện Gia Lâm cũng phát triển mạnh với gần 300.000 con gia cầm, 7.800 con gia súc, trong đó tập trung vào 3 nhóm chính là chăn nuôi bò sữa, bò thịt và bò giống.Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bền vững, Gia Lâm đã xây dựng đề án Phát triển nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh giai đoạn 2016 – 2020. Theo đó, huyện đã dành hơn 500 tỷ đồng cho đề án nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp với 4 nội dung: Sản xuất giống mới chất lượng cao; duy trì, phát triển vùng rau quả an toàn; tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản.