Huyện Gia Lâm: Sáng tạo, đột phá trong cải cách hành chính

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện đề án xây dựng huyện thành quận, thời gian qua, huyện Gia Lâm xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong hai khâu đột phá thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Bằng nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả, đến nay Gia Lâm đã có một nền hành chính văn minh, đáp ứng yêu cầu thành lập quận.

Nhiều mô hình hiệu quả

Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, thời gian qua, huyện Gia Lâm đã đưa vào thí điểm và áp dụng nhiều mô hình, sáng kiến trong thực hiện CCHC trên địa bàn. Đáng chú ý, năm 2023, UBND huyện Gia Lâm đưa vào thí điểm mô hình Ứng dụng công nghệ thông tin trong khảo sát mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công (SIPAS).

Người dân đến thực hiện TTHC và đánh giá mức độ hài lòng về công tác giải quyết TTHC tại bộ phận Một cửa huyện Gia Lâm.
Người dân đến thực hiện TTHC và đánh giá mức độ hài lòng về công tác giải quyết TTHC tại bộ phận Một cửa huyện Gia Lâm.

Mô hình được triển khai thí điểm tại bộ phận Một cửa của huyện từ ngày 1/3/2023 và đồng loạt triển khai chính thức từ ngày 1/7/2023 tại toàn bộ 22 xã, thị trấn trên địa bàn. Theo đó, mỗi bộ phận Một cửa của huyện và các xã, thị trấn được cấp 1 mã QR Code tương ứng để lấy ý kiến khảo sát của người dân, được in và đặt tại mỗi quầy của cán bộ, công chức làm nhiệm vụ. Sau khi trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, cán bộ bộ phận Một cửa sẽ đề nghị người dân đánh giá mức độ hài lòng về dịch vụ mà mình vừa thực hiện.

 

Việc triển khai các mô hình mới trong giải quyết TTHC trên địa bàn huyện Gia Lâm là một bước tiến quan trọng trong thực hiện đạo đức công vụ, xây dựng môi trường hành chính phục vụ chuyên nghiệp và tận tâm. Sự minh bạch và hiệu quả trong việc đánh giá sẽ thúc đẩy sự nghiêm túc, chuyên nghiệp của huyện và các xã, thị trấn trong CCHC mà trọng tâm là CCTTHC, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công trên địa bàn. Đồng thời, đây là công cụ quan trọng để tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng huyện Gia Lâm thành quận văn hiến, văn minh, hiện đại và phát triển bền vững của Thủ đô.
Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền

Mặc dù mới triển khai nhưng tính đến hết tháng 9/2023, mô hình đã thu được tổng số 8.605 phiếu khảo sát, trong đó cấp huyện là 2.336 ý kiến, cấp xã là 6.269 ý kiến. Bên cạnh việc đánh giá mức độ hài lòng, các tổ chức, cá nhân còn đóng góp tổng số 214 ý kiến phản ánh, kiến nghị và đề xuất góp ý.

Trong đó, ngoài các ý kiến mang tính tích cực, người dân còn phản ánh, góp ý về các vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất; hệ thống, thời gian giải quyết TTHC; thái độ làm việc của cán bộ, công chức, đơn vị…

Những góp ý này được Văn phòng HĐND và UBND huyện Gia Lâm tổng hợp báo cáo hằng tháng, đồng thời tham mưu lãnh đạo UBND huyện ra văn bản đề nghị các đơn vị có báo cáo giải trình, chấn chỉnh cán bộ nếu cần thiết.

Theo đánh giá của Văn phòng HĐND và UBND huyện Gia Lâm, ưu điểm của mô hình là giúp công tác tổng hợp được thực hiện nhanh gọn, chính xác, tiết kiệm công sức, thời gian làm việc của công chức được giao nhiệm vụ. Kết quả khảo sát đánh giá hoặc những phản ánh, kiến nghị, đề xuất, góp ý bảo đảm chính xác, rõ ràng, minh bạch, không thể sửa đổi, thay thế và được lưu trữ lâu dài.

Điều này góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC theo mô hình Một cửa, Một cửa liên thông trên địa bàn.

Người dân đến thực hiện TTHC và đánh giá mức độ hài lòng về công tác giải quyết TTHC tại bộ phận Một cửa huyện Gia Lâm.
Người dân đến thực hiện TTHC và đánh giá mức độ hài lòng về công tác giải quyết TTHC tại bộ phận Một cửa huyện Gia Lâm.

Đặc biệt, năm 2023, UBND huyện Gia Lâm tiếp tục triển khai 2 mô hình “Ứng dụng mã QR để tuyên truyền, tra cứu 25 TTHC thiết yếu trên địa bàn huyện Gia Lâm” và “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn trong giải quyết TTHC trên địa bàn huyện Gia Lâm”; in phát 100.000 tờ rơi tuyên truyền về nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ bưu chính trong tiếp nhận và trả kết quả TTHC… nhằm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, khuyến khích tổ chức, cá nhân tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và tỷ lệ sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ TTHC, qua đó giúp giảm thời gian, chi phí trong giải quyết TTHC. Tiếp tục phát động xây dựng thôn, tổ dân phố thông minh và các tổ công nghệ cộng đồng để tăng cường công tác CCHC... Những chuyển biến này đã mang lại sự phấn khởi cho cá nhân, tổ chức đến thực hiện TTHC trên địa bàn.

Không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ

Theo Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền, thực hiện chủ đề công tác năm 2023 của TP là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển”, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành 16 kế hoạch, triển khai 7 nội dung với 6 nhóm chỉ tiêu chủ yếu và 41 nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện CCHC.

Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ cán bộ, công chức, viên chức nhằm duy trì các Chỉ số PARINDEX, PAPI, SIPAS. Các cơ quan chuyên môn đã tham mưu UBND huyện ban hành 86 văn bản chỉ đạo điều hành về công tác CCHC. Tính đến tháng 9/2023, huyện đã thực hiện được 35/41 nhiệm vụ đề ra, đạt tỷ lệ 85,36%; triển khai 9/9 nhiệm vụ theo kế hoạch của TP, đạt tỷ lệ 100%.

Người dân đến thực hiện TTHC và đánh giá mức độ hài lòng về công tác giải quyết TTHC tại bộ phận Một cửa huyện Gia Lâm.
Người dân đến thực hiện TTHC và đánh giá mức độ hài lòng về công tác giải quyết TTHC tại bộ phận Một cửa huyện Gia Lâm.

Huyện tiếp tục duy trì áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 tại 100% các phòng chuyên môn, 22/22 xã, thị trấn và 79/79 trường học, 5 đơn vị sự nghiệp. Xây dựng, triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn huyện Gia Lâm; kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn; phê duyệt phương án xây dựng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC hiện đại trên địa bàn…

Cùng với đó, UBND huyện chỉ đạo kịp thời các cơ quan, đơn vị bố trí nguồn lực, biên chế để thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết 176 TTHC ủy quyền từ UBND TP, sở chuyên ngành cho cấp quận, huyện, thị xã. Tập trung rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, đẩy mạnh phân cấp cải cách và đẩy nhanh giải quyết TTHC công trực tuyến. Tỷ lệ TTHC cấp huyện và cấp xã đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần đạt 95 - 100%.

Việc đơn giản hóa TTHC và thực hiện giải quyết TTHC theo ISO đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và tổ chức trong giải quyết TTHC. 100% hồ sơ được giải quyết trực tuyến, 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đắp thắc mắc cho người dân, DN. Mức độ hài lòng của người dân, DN khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến được công khai.

Huyện cũng thực hiện số hóa toàn bộ kết quả giải quyết hồ sơ hành chính đối với 100% các hồ sơ tiếp nhận tại bộ phận Một cửa huyện… Toàn huyện không có hồ sơ giải quyết quá hạn; không có ý kiến đóng góp của công dân về việc giải quyết TTHC trong sổ góp ý hoặc qua điện thoại, hòm thư công vụ.

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, song công tác CCHC trên địa bàn huyện Gia Lâm cũng còn một số hạn chế, khó khăn như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn thiếu chủ động, chưa kiên quyết; công tác tuyên truyền chưa hiệu quả; việc ứng dụng công nghệ thông tin còn khó khăn...

Nguyên nhân là do công tác chỉ đạo, điều hành phối hợp của một số phòng, ban, đơn vị, cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự sát sao, thiếu tính đồng bộ. Việc phát huy vai trò của Nhân dân trong giám sát, kiểm tra hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước chưa được phát huy tối đa, hiệu quả...

Từ nay đến cuối năm 2023, UBND huyện Gia Lâm yêu cầu các cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn thuộc huyện tập trung hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, với mục tiêu cuối cùng là cải thiện Chỉ số CCHC; tăng cường công tác tuyên truyền để đẩy mạnh việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và sử dụng dịch vụ bưu chính công ích; chỉ đạo duy trì và thực hiện tốt việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra công vụ, kiểm tra CCHC theo chuyên đề.