Báo cáo tại hội nghị, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Gia Lâm Đào Xuân Trường cho biết, sau 15 năm (2009-2024), toàn huyện đã đăng ký xây dựng được 3.845 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó có 2.261 mô hình tập thể, 1.584 mô hình cá nhân.
Kết quả, có 1.291 mô hình tập thể và 871 mô hình cá nhân được công nhận là điển hình “Dân vận khéo” các cấp, trong đó có 11 mô hình tập thể đạt cấp TP; 217 mô hình tập thể, 142 mô hình cá nhân đạt cấp huyện; 1.063 mô hình tập thể và 729 mô hình cá nhân đạt cấp xã.
Tiêu biểu là những mô hình: vận động Nhân dân chuyển đổi trồng lúa, ngô sang trồng hoa, cây cảnh cho giá trị kinh tế cao” của xã Trung Mầu; vận động chuyển đổi 64,23ha diện tích đất trồng lúa sang trồng hoa cây cảnh, cho thu nhập hơn 400 triệu đồng/ha; mô hình "Hàng cây nông dân", “Tuyến đường nông dân kiểu mẫu” của Hội Nông dân huyện, kết quả đã trồng 95 hàng cây, 62 tuyến đường tại các xã, tổng chiều dài 55.211m, trồng 8.312 cây xanh bóng mát, trị giá hơn 4 tỷ đồng; mô hình “Vận động phụ nữ đảm nhận trồng, chăm sóc các đoạn đường nở hoa" và “Đưa rác thải đến với hành trình sống xanh” của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, kết quả đã trồng mới 634 đoạn đường nở hoa với tổng chiều dài 114.505m, huy động 5.363 ngày công, tổng trị giá hơn 2,5 tỷ đồng; mô hình “Ứng dụng mã QR để tuyên truyền, tra cứu 25 thủ tục hành chính trên địa bàn huyện”, “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn”, “Ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt khi giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn huyện Gia Lâm”...
Ngoài ra, còn có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong huy động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện có hơn 600 hộ dân hiến 61.000m2 đất thổ cư, đất nông nghiệp; đóng góp hơn 398 tỷ đồng để làm các công trình nhà văn hóa, nghĩa trang, giao thông nông thôn, kênh mương…
Riêng năm 2024, toàn huyện có 397 mô hình tập thể, cá nhân đăng ký mô hình “Dân vận khéo” gắn biển chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Huyện đã đề xuất khen thưởng, gắn biển 2 công trình “Dân vận khéo” cấp TP, 5 công trình cấp huyện; công nhận 36 mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu cấp huyện. Tham gia Hội thi “Dân vận khéo” Cụm thi đua số 2 của TP, huyện đạt giải Nhì.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đinh Văn Khóa đề nghị huyện tiếp tục quan tâm tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân để cùng tham gia thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; lựa chọn xây dựng, nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo”; xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phù hợp với thực tiễn của địa phương, thiết thực với nhu cầu và nguyện vọng của Nhân dân.
Nhân dịp này, có 71 tập thể, cá nhân được UBND huyện Gia Lâm khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong tuyên truyền, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” 15 năm qua.