|
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc với huyện Gia Lâm |
Mặc dù là huyện có tốc độ đô thị hoá cao, cơ cấu ngành nông nghiệp giảm mạnh, song với quyết tâm đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh tập trung, huyện Gia Lâm đã thực hiện dồn điền đổi thửa đạt 1.174ha, đồng thời, hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa cho 100% nông hộ.
Sau dồn điền đổi thửa, huyện tập trung quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Hơn 7 năm qua, đã phê duyệt 75 phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, hộ gia đình với tổng diện tích trên 1.000ha. Toàn huyện đã hình thành được 123 trang trại, gia trại chăn nuôi xa khu dân cư, 17 mô hình nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và 18 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương tăng bình quân 1,18%/năm. Giá trị canh tác bình quân trên 1 héc-ta đất nông nghiệp đạt 212 triệu đồng (tăng 3,4 triệu đồng/ha so với năm 2015).
Đến nay, huyện Gia Lâm đã có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các tiêu chí Huyện nông thôn mới theo quy định tại Quyết định số 558 của Thủ tướng Chính phủ, huyện cũng đã hoàn thành và đang chờ TP xem xét thẩm định. Đáng chú ý, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện hiện đã đạt trên 42 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn khoảng 1,0%. Cùng với đó, 71% hộ gia đình nông thôn đã được sử dụng nước sạch; 100% các xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 12,6%...
|
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra tại trường Tiểu học Phù Đổng |
Biểu dương những kết quả mà huyện Gia Lâm đã đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục của địa phương trong quá trình thực hiện Chương trình số 02. Đó là việc huy động đóng góp của Nhân dân và DN còn hạn chế; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư từ ngân sách Nhà nước; tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường tại sông Cầu Bây còn chậm, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân. Các mô hình kinh tế trang trại quy mô lớn còn ít, chưa phát huy hết giá trị đất nông nghiệp, đặc biệt là vùng bãi…
Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Huyện nông thôn mới năm 2018 và duy trì bền vững các tiêu chí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị huyện Gia Lâm chủ động nghiên cứu, xây dựng phương hướng phát triển trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân trong điều kiện đô thị hóa, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn đô thị; chuẩn bị tâm thế để đưa huyện về đích nông thôn mới năm 2018, hướng tới trở thành Quận trong tương lai.
Phối hợp với các sở ngành, huy động sức dân tập trung giải quyết triệt để bài toán môi trường. Rà soát, duy trì và nâng cao bền vững các tiêu chí nông thôn mới. Tiếp tục phát huy các tiềm năng, thế mạnh của huyện; quan tâm phát triển du lịch làng nghề (Bát Tràng, Kiêu Kỵ)... Bên cạnh đó, tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, phát triển các mô hình nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị ngành nông nghiệp. Có chính sách đặc thù hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp; củng cố, đổi mới hoạt động các hợp tác xã...
|
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình phát triển kinh tế tại xã Phù Đổng |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng lưu ý địa phương chú trọng xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, nhất là thôn, làng, cụm dân cư trong sạch, vững mạnh. Rà soát những nơi có biểu hiện yếu kém kịp thời kiện toàn, củng cố đảm bảo ổn định từ cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Thành ủy Hà Nội. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người dân nông thôn.
Trong buổi sáng cùng ngày, Đoàn công tác do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng dẫn đầu đã đi kiểm tra thực tế việc thực hiện Chương trình số 02 tại xã Phù Đổng. Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đánh giá cao mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng trùn quế của Hợp tác xã phát triển nông nghiệp và dịch vụ thương mại Hiệp Thư trong giải quyết bài toán môi trường; hiệu quả của vùng trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa của Hợp tác xã Chế biến sữa Phù Đổng.
Ghé thăm cơ sở vật chất trường học, trung tâm văn hóa và trụ sở UBND xã Phù Đổng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm, đầu tư nâng cấp hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, phấn đấu xây dựng Phù Đổng thành xã nông thôn mới điển hình, tiên tiến.