Sau khi tìm hiểu từ cơ quan chức năng, bước đầu chúng tôi nhận định đơn thư của bà Toàn là thiếu căn cứ…
Lấy đất nông nghiệp làm chỗ tạm cư
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 1998, bà Nguyễn Thị Toàn kết hôn với ông Phan Thanh Tuấn, là công nhân nhà máy gạch Hữu Hưng. Từ khi kết hôn, tuy không có nhà ở ổn định, nhưng bà Toàn lại có hộ khẩu thường trú tại xã Lại Yên. Năm 2007, bà nhận chuyển nhượng 180m2 đất nông nghiệp ở khu Sườn Trại từ ông Nguyễn Huy Chí (là người cùng địa phương), mảnh đất này được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp năm 2011.
Trao đổi với chúng tôi (qua điện thoại) bà Toàn cho biết: Năm 2007, sau khi nhận chuyển nhượng đất từ ông Nguyễn Huy Chí (do không có chỗ ở) bà đã dựng nhà tạm lên mảnh đất nói trên. Thời gian đó, chính quyền địa phương đã lập biên bản đình chỉ, nhưng gia đình bà vẫn dựng nhà tạm và sinh sống từ đó đến nay. Ngày 21/11, UBND huyện Hoài Đức đã cưỡng chế toàn bộ nhà cửa, làm thất thoát tài sản (tiền mặt, vàng), gây thiệt hại cho gia đình bà hơn 1 tỷ đồng…
Kiện lấy được?
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND xã Lại Yên Đỗ Xuân Hùng cho biết: Ngành chức năng huyện Hoài Đức đã hoàn chỉnh các bước và tiến hành cưỡng chế GPMB theo đúng quy định. Thậm chí trước khi cưỡng chế, chính quyền địa phương còn mời em trai và bố đẻ của bà Toàn lên trụ sở xã, đề nghị hai người vận động bà chấp hành, nhưng không có kết quả. Sáng 21/11, ngành chức năng đã tiến hành cưỡng chế với hộ bà Toàn.
“Do gia đình bà Toàn không có chỗ ở, ngày 14/11, UBND xã đã thuê ngôi nhà của ông Nguyễn Đình Thân ở xã Lại Yên (thời hạn là 6 tháng) để gia đình bà có nơi sinh sống. Tuy nhiên, bà Toàn không chấp nhận nên trước khi cưỡng chế, ngành chức năng đã vận chuyển toàn bộ tài sản của của gia đình về căn nhà nói trên, khóa cửa và trao chìa khóa cho em trai bà Toàn”- ông Hùng cho biết.
Vẫn theo ông Hùng, gia đình bà Toàn thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo suốt từ năm 2009 đến nay, nên việc bà “tố” chính quyền làm thất thoát tiền, vàng như trong đơn là điều hết sức vô lý.
Đòi hỏi thiếu căn cứ!
Trong đơn gửi Báo Kinh tế & Đô thị, bà Toàn cho biết: Do đã bị thu hồi hết đất nông nghiệp, nên gia đình chỉ còn mảnh đất (180m2), tại khu Sườn Trại - đây cũng là chỗ ở của 5 thành viên trong gia đình. Bà Toàn còn lập luận: Theo điều 20 (quyết định số 12/2017 của UBND TP Hà Nội – về xử lý đối với các trường hợp đã tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trước ngày 1/7/2014) thì khu Sườn Trại (trong đó có diện tích đất của bà Toàn) được chuyển mục đích làm đất ở.
Tuy nhiên, từ 12/7/2018, UBND huyện Hoài Đức đã có văn bản trả lời bà Toàn. Theo đó, vị trí khu Sườn Trại đã có thông báo thu hồi đất của UBND huyện Hoài Đức để xây dựng hạ tầng khu đất đấu giá. UBND xã Lại Yên đã có biên bản niêm yết công khai thông báo thu hồi đất. Vì vậy, việc người dân xin chuyển mục đích sử dụng đối với các thửa đất nằm trong khu vực thực hiện dự án là không phù hợp với quy định.
Cũng do bà Toàn không nhất trí với phương án đền bù hỗ trợ GPMB và đề nghị cho phép tái định cư tại vị trí khu Sườn Trại, ngày 8/11 UBND xã đã có văn bản đề xuất UBND huyện Hoài Đức giao đất có thu tiền sử dụng với diện tích 64,60m2 (tại khu Bờ Đầm). Đề xuất của xã Lại Yên đã được UBND huyện Hoài Đức chấp thuận. Tuy nhiên trao đổi với chúng tôi, bà Toàn lại cho rằng bà chưa nhận được thông báo và những việc làm kể trên chỉ là… lừa dối và mị dân!
Theo đánh giá của người dân địa phương, mảnh đất bà Toàn được tạm giao ở vị trí đắc địa (2 mặt tiền), nếu đấu giá có thể lên tới trên 40 triệu đồng/m2. Như vậy có thể nói, chính quyền huyện Hoài Đức và xã Lại Yên đã làm hết những điều có lợi cho người dân. Thiết nghĩ bà Toàn nên liên hệ với chính quyền địa phương để được hướng dẫn thủ tục nhận đất một cách cụ thể. Hơn thế, bà Toàn cần chấp hành nghiêm quy định pháp luật về đất đai, không nên có những đòi hỏi quá đáng và khiếu kiện thiếu căn cứ.