70 năm giải phóng Thủ đô

Huyện Hoài Đức: Nhìn lại một năm phát triển kinh tế - xã hội

Bài, ảnh: Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu của huyện, năm 2022, kinh tế Hoài Đức tiếp tục tăng trưởng khá (tăng 11,2% so với năm 2021). Tổng giá trị sản xuất ước thực hiện 27.881 tỷ đồng, đạt 101,2% kế hoạch năm, tăng 11,2% so với năm 2022.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận (thứ hai từ trái sang) giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận (thứ hai từ trái sang) giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó Thương mại dịch vụ 51,58%, Công nghiệp xây dựng 43,75%; Nông nghiệp 4,68%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện năm 2022 ước thực hiện 1.623,1 tỷ đồng. Bao gồm: Thu thường xuyên 1.454,75 tỷ đồng (đạt 145,1% dự toán), thu tiền sử dụng đất 168 tỷ đồng (đạt 14,4%), tổng thu ngân sách cấp huyện, xã hơn 3.922,43 tỷ đồng (đạt 132,6% dự toán), tổng chi ngân sách huyện ước thực hiện 3.590,135 tỷ đồng (đạt 137,4% dự toán)…

Huyện thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, văn minh đô thị, tập trung đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu nhà ở, dự án thương mại đã được cấp thẩm quyền giao đất. Triển khai các dự án đầu tư công theo kế hoạch, đặc biệt là các dự án trọng điểm của TP và của huyện, các dự án đất đấu giá, xây dựng trường chuẩn Quốc gia, khu cây xanh thể dục thể thao, nhà văn hóa trung tâm, cải tạo môi trường.

Toàn huyện triển khai thực hiện công tác bồi thường GPMB 26 dự án với diện tích 196,9ha đất nông nghiệp, của 7.925 hộ gia đình, cá nhân; 12,84ha đất phi nông nghiệp của 95 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; 33,03ha đất công, đất nông nghiệp công ích, kinh phí bồi thường hỗ trợ khoảng 2.000 tỷ đồng.

Đến nay huyện Hoài Đức đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ GPMB và tổ chức chi trả 19/26 dự án, tổng diện tích 89,67ha đất nông nghiệp của 4.494 hộ gia đình, cá nhân, 11,94ha đất phi nông nghiệp của 25 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và 17,4ha đất công, đất công ích do UBND xã quản lý, kinh phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 903,31 tỷ đồng. Đồng thời, huyện tập trung chỉ đạo, giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, GPMB…

Thực hiện bảo vệ môi trường, năm 2022 huyện triển khai cuộc thi “Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Tham gia cuộc thi “Ảnh về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam”. Thực hiện tốt công tác giám sát việc thu gom và vận chuyển rác thải, duy trì vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị trên địa bàn huyện; phê duyệt 4 phương án bảo vệ môi trường làng nghề tại các xã: Kim Chung, Sơn Đồng, xã An Thượng, Yên Sở…

Thực hiện đề án xây dựng huyện thành quận, theo tiêu chí mới, đến nay huyện đã hoàn thành 23/31 tiêu chí, (3 tiêu chí cơ bản đạt). Các xã hoàn thành 245/320 lượt tiêu chí, theo đó, toàn huyện có 14/20 xã, thị trấn đáp ứng mức tối thiểu của tiêu chí thành lập phường.

Năm 2023, Hoài Đức phấn đấu tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất đạt 11,9% trở lên; thu ngân sách Nhà nước 2.361,95 tỷ đồng; chi ngân sách nhà nước: 2.229,3 tỷ đồng, duy trì không còn hộ nghèo…