Do hoạt động trái phép nên các cấp chính quyền huyện Hoài Đức đã ra “tối hậu thư” - ngày 7/7, DN nào không tự giác tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản Ngày 5/5/2016, UBND xã An Thượng đã ra thông báo kế hoạch xử lý vi phạm trong lĩnh vực sử dụng đất đai tại vũng bãi Lại Dụ với việc lên danh sách 15/43 hộ gia đình và DN sử dụng đất nông nghiệp xây dựng nhà xưởng trái phép từ năm 2015 trở lại đây phải phá dỡ, di dời. Trước hành động kiên quyết của chính quyền, các DN đang sản xuất, kinh doanh tại đây như ngồi trên đống lửa. Ông Kiều Ngọc Hưng - Giám đốc Công ty Sản xuất & Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Tân Hưng Phát cho biết: Bãi Lại Dụ là khu cát già nên sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả.
Từ năm 1994 đến nay, trên vùng đất này đã hình thành 43 cơ sở sản xuất CN, đầu tư cả ngàn tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 2.000 nhân công với mức thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Trong quy hoạch nông thôn mới năm 2013, UBND xã An Thượng quy hoạch 4ha tại khu bãi Lại Dụ để làm khu tiểu thủ CN và đã được HĐND xã phê duyệt, HĐND huyện thông qua và chuyển cấp có thẩm quyền xem xét… Chính quyền huyện cũng đã cấp giấy phép kinh doanh cho các DN; ngành điện cũng kéo đường dây 3 pha để phục vụ sản xuất… Nay chính quyền xã cưỡng chế, phá dỡ nhà xưởng thì chúng tôi sẽ lâm vào phá sản, 2.000 lao động sẽ mất việc làm, hàng ngàn tỷ đồng đã đầu tư có nguy cơ… trôi sông. Đua nhau mua bán đất trái phép để mở xưởng Ông Vũ Văn Bằng (thôn Lại Dụ) cho hay: Do là khu cát già, bãi Lại Dụ rất khó canh tác nên ông Triệu Tiến Đính (người địa phương) đấu thầu lại của người dân, hút cát đem bán. Khi khai thác hết cát, ông Đính xoay sang trồng nhãn muộn. Sau đó, người nơi khác đua nhau về mua lại đất của dân, mở nhà xưởng. Từ chỗ lác đác vài DN, đến nay toàn khu bãi này đã biến thành xưởng sản xuất của hơn 40 công ty. Được biết, trước năm 2015, bãi Lại Dụ chỉ có 28 DN mua đất mở xưởng sản xuất. Nhưng đến năm 2015, do điều kiện thuận lợi về giao thông, nằm gần trung tâm TP nên người tứ xứ đổ về đây mua đất mở công xưởng. Từ chỗ chỉ hơn 10 triệu đồng/sào, lúc cao điểm (năm 2015), giá mỗi sào đất ở đây đã lên tới cả trăm triệu đồng. Sau đó, công xưởng sản xuất đua nhau mọc lên. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Chí Lương - Chủ tịch UBND xã An Thượng cho biết: Việc người dân và các DN xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại khu bãi Lại Dụ đã xảy ra từ những năm 1990. Chính quyền đã nhiều lần xử phạt các công trình vi phạm nhưng sau đó vẫn phát sinh. Nhiều trường hợp dù đã bị lập biên bản xử phạt, yêu cầu tháo dỡ, nhưng sau đó các hộ này vẫn cố tình xây dựng. Lãnh đạo xã thừa nhận yếu kém Khi phóng viên đặt vấn đề trách nhiệm của chính quyền địa phương trước những sai phạm nói trên, ông Lương thừa nhận: "Đảng bộ và chính quyền xã An Thượng… yếu một cách toàn diện". Theo một chủ DN tại khu bãi Lại Dụ, khi xây dựng, khó mà “qua mặt” được chính quyền sở tại. Tuy nhiên nếu "biết điều" thì mọi việc sẽ đâu vào đấy (!?). Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Lý - Chánh Văn phòng UBND huyện Hoài Đức khẳng định: “Quan điểm của UBND huyện là sẽ kiên quyết xử lý triệt để những sai phạm tại thôn Lại Dụ. Trước mắt, 15 hộ xây dựng thời điểm năm 2015 sẽ phải tuân thủ kế hoạch cưỡng chế mà UBND xã An Thượng đã đề ra. 28 DN còn lại, chúng tôi sẽ tiếp tục giao ngành chức năng và UBND xã An Thượng rà soát, lên kế hoạch xử lý. Khu vực này thuộc quy hoạch phân lũ của sông Hồng và sông Đáy đã được Chính phủ phê duyệt nên không thể làm khác được”. Để tránh thiệt hại cho các hộ dân, huyện sẽ tạo điều kiện đến hết tháng 7 để các hộ tự tháo dỡ, nếu ai không chấp hành mới bị cưỡng chế… Vi phạm vì xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại bãi Lại Dụ chắc chắn không phải lỗi từ một phía; việc chính quyền địa phương lập phương án xử lý với những sai phạm này là cần thiết. Tuy nhiên, việc này đã và sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của hàng chục DN, việc làm của hàng nghìn công nhân. Thiết nghĩ, tới đây, chính quyền cấp trên cũng nên có biện pháp kỷ luật thích đáng với những cán bộ đã để các vi phạm này phát sinh và tồn tại trong thời gian dài vừa qua.
Công nhân Công ty CP Cơ khí Chính xác An Khánh đang tranh thủ làm việc khi nhà xưởng đã bị tháo dỡ. Ảnh: Trần Thụ |