Nâng cao ý thức cán bộ
Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều khẳng định, những năm trước huyện Mỹ Đức thường xuyên ở trong tình trạng nằm ở tốp cuối của TP về chỉ số CCHC, chỉ số hài lòng của người dân cũng ở trong cảnh tương tự. Tuy nhiên, năm 2020 nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, trước hết là sự chỉ đạo quyết liệt của người người đứng đầu UBND huyện thường xuyên đôn đốc, kiểm đếm kết quả thực hiện công việc các phòng ban, cán bộ chuyên môn. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện còn kiểm tra đột xuất các đơn vị, nhất là hoạt động tại bộ phận “một cửa” và bộ phận thường xuyên tiếp công dân, giải quyết đơn thư.
Xác định đây là những yếu tố giúp cán bộ thay đổi nhận thức, nâng cao hơn nữa thái độ phục vụ. Mặt khác, phải thực hiện tốt bộ Quy tắc ứng xử để làm tốt nhiệm vụ được giao trong giải quyết công việc tại bộ phận một cửa giúp “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, giải quyết dứt điểm những kiến nghị, đơn thư khiếu kiện sẽ làm tăng mức hài lòng của người dân. Việc làm này không chỉ được lãnh đạo huyện quán triệt mà còn gắn vào điểm thi đua của cán bộ.
Theo trưởng Phòng Nội vụ huyện Mỹ Đức Mai Thành Công, một số lĩnh vực CCHC đã được huyện quan tâm, trong đó chú trọng cải cách bộ máy, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đầu tư trang bị cơ sở vật chất đồng bộ cho bộ phận “một cửa” từ huyện đến 22 xã, thị trấn. Trước đây máy móc thiết bị được đầu tư manh mún, thậm chí có nơi chưa đáp ứng điều kiện làm việc tối thiểu thì nay được đầu tư mới, đảm bảo điều kiện làm việc và phục vụ người dân, như: Camera, máy tính kết nối mạng, bàn ghế cho người dân ngồi chờ giải quyết thủ tục hành chính...
Người dân hài lòng
Bà Phạm Thị Thoa, thôn Kinh Đào, xã An Mỹ bộc bạch, trước đây khi giải quyết công việc cần có sự xác nhận của chính quyền địa phương hoặc giải quyết đơn thư thì phải “mỏi mắt” đi tìm cán bộ. Giờ đây khác rồi, chỉ cần đến trụ sở UBND xã kể cả ngày thứ 7, đến bộ phận một cửa là có cán bộ, lãnh đạo địa phương cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại phục vụ giải quyết công việc. Nếu người dân có kiến nghị, khi nắm bắt được nội dung, cán bộ chuyên môn cũng lãnh đạo xã sẽ xuống hiện trường giải quyết ngay, đây chính là yếu tố làm cho người dân hài lòng.
Còn ở tại xã Phúc Lâm lại khác, là một trong những xã nằm cách xa trung tâm huyện gần 20km, trụ sở UBND, phòng làm việc của bộ phận một cửa, phòng tiếp công dân đều đang phải ở phòng cũ vì chờ hoàn thành trụ sở mới. Tuy nhiên, cơ sở vật chất rất đầy đủ để phục vụ người dân. Bà Nguyễn Thị Thuỷ, thôn Phúc Lâm Trung, xã Phúc Lâm bộc bạch, người dân xã chúng tôi chủ yếu đi bán hàng ở các quận nội đô vào buổi sáng nên mọi giao dịch chủ yếu diễn ra vào buổi chiều. Nắm bắt được tâm lý của người dân nên cán bộ xã thường xuyên trực giải quyết công việc vào tận cuối buổi chiều, thậm chí làm quá thời gian quy định.
Theo Chủ tịch UBND xã An Mỹ Trần Quốc Tuấn, trong Chỉ số CCHC thì chỉ số hài lòng của người dân có ý nghĩa quyết định nên địa phương đã tập trung nâng cao ý thức, trách nhiệm cán bộ trong giải quyết công việc từ xã đến thôn. Ông Tuấn cho biết, xã đã tham mưu cho phòng Nội vụ và lãnh đạo UBND huyện thường xuyên quán triệt tầm quan trọng của chỉ số hài lòng đối với cán bộ, nếu xao nhãng công việc sẽ trì trệ, người dân bức xúc ngay.
Bà Nguyễn Thị Truyền, công chức Tư pháp trực tại bộ phận một cửa xã Phúc Lâm chia sẻ: "Để nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, chúng tôi chú trọng công khai các quy định theo Pháp lệnh 34, như thu chi ngân sách, kế hoạch sử dụng đất…để dân biết, dân bàn và kiểm tra. Chính yếu tố này giúp họ cảm nhận được một nền hành chính minh bạch. Cùng với đó, xác định người dân ít khi sử dụng các loại máy móc nên cán bộ chúng tôi trực tại bộ phận một cửa đã chủ động tuyên truyền, trợ giúp họ sử dụng dịch vụ công mức độ 3, 4, giải quyết công việc thuận tiện, người dân vui là chúng tôi phấn khởi rồi".