Theo thống kê, trên địa bàn huyện Mỹ Đức hiện có 11.151 hộ chăn nuôi. Tổng đàn gia súc, gia cầm toàn huyện tính đến tháng 8/2018 là 862.549 con. Trong đó, tổng đàn gia súc chiếm 13,5%, còn lại 86,5% là gia cầm. Dù có tổng đàn thuộc nhóm cao nhất toàn TP song phương thức chăn nuôi tại huyện Mỹ Đức vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún. Toàn huyện mới chỉ có một khu chăn nuôi tập trung với quy mô 5ha tại xã An Mỹ. Bên cạnh đó là 171 trang trại, hầu hết cũng ở quy mô vừa và nhỏ.
|
Người dân chăm sóc đàn lợn của gia đình tại huyện Mỹ Đức. Ảnh: Trọng Tùng |
Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề môi trường, thời gian qua, huyện Mỹ Đức đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm xử lý chất thải phát sinh từ quá trình chăn nuôi. Theo đó, đối với chăn nuôi lợn, đã có nhiều hộ áp dụng hệ thống khí sinh học biogas để xử lý chất thải. Hàng trăm hộ đã áp dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi trên tổng diện tích khoảng 48.340m2. Đáng chú ý, chế phẩm sinh học đang trở thành giải pháp hữu hiệu được 3.250 hộ chăn nuôi lựa chọn để xử lý chất thải phát sinh.
Nhằm kiểm soát nguy cơ gây ô nhiễm từ chất thải chăn nuôi, huyện Mỹ Đức cũng đã đôn đốc các hộ thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường. Dù vậy, đến nay mới chỉ có 3/171 trang trại hoàn thiện thủ tục này; 18 trang trại khác có hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường. Trong khi đó, hầu hết số hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ chưa thực hiện đánh giá tác động môi trường.
Lời giải phải từ công nghệThực tế cho thấy, công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi của huyện Mỹ Đức đang bộc lộ nhiều hạn chế. Đáng chú ý, việc thanh kiểm tra của địa phương theo báo cáo tự đánh giá là chưa thực sự sát sao. Hàng năm, địa phương này chỉ tổ chức một đợt giám sát định kỳ, trong khi việc thanh tra, kiểm tra đột xuất cũng chỉ được thực hiện khi cơ quan chức năng nhận được đơn thư khiếu nại...
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường được UBND huyện Mỹ Đức chỉ ra là bởi các hộ chăn nuôi trên địa bàn chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ nên chưa chú trọng đầu tư các công trình xử lý. Cũng bởi phương thức chăn nuôi manh mún nên việc tiếp cận những hỗ trợ của T.Ư, TP cho công tác bảo vệ môi trường gặp nhiều bất lợi. Chất thải chưa được tận dụng triệt để hoặc xử lý dứt điểm. Công tác quản lý môi trường hiện nay còn chồng chéo...
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều, để có thể giải quyết bài toán chất thải trong bối cảnh chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn phổ biến, TP nên tập trung nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới trong xử lý chất thải cho các quy mô chăn nuôi khác nhau. Đơn cử như công nghệ hầm biogas cải tiến nên được chú trọng trong chăn nuôi quy mô nhỏ; còn đối với chăn nuôi quy mô công nghiệp thì áp dụng công nghệ tách chất thải rắn từ phân lỏng. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy nghiên cứu, thực hiện hỗ trợ đối với các quy trình chăn nuôi tiết kiệm nước nhằm tận thu chất thải rắn phục vụ sản xuất phân bón hữu cơ. Ông Triều cũng đề xuất TP nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải vật nuôi. Giải pháp này sẽ không chỉ giúp tháo gỡ bài toán chất thải vật nuôi, mà còn định hướng thay thế dần việc sử dụng phân bón hóa học hiện nay.