Nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng
Từ năm 2019 đến nay, được sự quan tâm, hỗ trợ của TP và với nguồn lực tài chính của địa phương, huyện Phú Xuyên gấp rút triển khai hàng loạt dự án phát triển hệ thống giao thông. Điển hình như dự án xây dựng tỉnh lộ 428 và 429, quốc lộ 1A đoạn trung tâm huyện, đường trục phát triển phía Đông, đường Văn Hoàng - Phượng Dực, đường Văn Hoàng - Phú Túc, đường đê sông Hồng…
Qua đó, UBND huyện Phú Xuyên đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp cùng các xã, thị trấn vào cuộc GPMB thực hiện các dự án giao thông trọng điểm liên quan đến đất đai của hàng nghìn hộ dân với nhiều khó khăn, vướng mắc có liên quan đến chế độ chính sách, quy định của pháp luật nhằm đảm bảo đến quyền lợi chính đáng của người dân.
Trong đó, thể hiện rõ việc bản đồ địa chính qua các thời kỳ còn thiếu và có nhiều sai lệch so với hiện trạng sử dụng đất, hồ sơ địa chính cũng như giấy chứng nhận QSD đất. Cùng với đó, công tác quản lý chưa chặt chẽ đã để người dân lấn chiếm đất công, tự ý chuyển mục đích sử dụng, xây dựng trái phép, giao đất trái thẩm quyền gây khó khăn cho việc hoàn thiện bản đồ GPMB, xác nhận nguồn gốc sử dụng đất.
Theo cán bộ địa chính xã Phúc Tiến Nguyễn Năng Tín, nhiều dự án có các thửa đất tiếp giáp nhau, nhưng nhận tiền bồi thường, hỗ trợ chênh lệch lớn, thể hiện việc không đồng bộ về chính sách bồi thường. Còn ông Nguyễn Xuân Trường, cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Xuyên cho rằng, giá đất thực tế tăng cao, nhưng tiền bồi thường, hỗ trợ thấp, gây khó khăn cho GPMB.
Mặt khác, đối với đất nông nghiệp hộ dân phải trực tiếp sản xuất thì mới được hỗ trợ bằng 5 lần mức bồi thường. Còn trường hợp chuyển đi nơi khác, cho người khác mượn sản xuất không được hỗ trợ cũng gây không ít khó khăn cho công tác GPMB. Một khó khăn khác liên quan đến GPMB đất nuôi trồng thủy sản. Ngoài tiền đền bù, hỗ trợ, quá trình GPMB lại không tính đến diện tích còn lại sau khi thu hồi.
Ông Nguyễn Văn Học, xã Tri Thủy cho hay, đối với diện tích thu hồi GPMB mục đích là nuôi trồng thủy sản mà diện tích còn lại nhỏ dưới 100m2, thì việc tiếp tục sản xuất là rất khó, bởi chi phí làm bờ vùng, bờ thửa nhiều chưa kể hiệu quả sản xuất ở phạm vi diện tích nhỏ sẽ rất thấp và mất nhiều công sức của người lao động.
Ông Nguyễn Quang Khâm, xã Hồng Minh có đất thuộc diện phải GPMB thực hiện Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) kiến nghị, việc bồi thường đối với các thửa đất giao trái thẩm quyền từ những năm 1993, 1995… cần xem xét theo hướng công nhận quyền sử dụng đất 100% cho các hộ dân, bởi các hộ dân đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính từ thời điểm giao đất.
Phối hợp cùng thực hiện
Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính cho biết: Để bảo đảm tiến độ cũng như tháo gỡ khó khăn cho các dự án giao thông trọng điểm, lãnh đạo huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn tập trung giải quyết, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến công tác GPMB. Đồng thời, báo cáo, đề xuất UBND TP, Sở TNMT có cơ chế, chính sách về bồi thường, hỗ trợ GPMB.
Qua nghe báo cáo của cơ quan chuyên môn cũng như xem xét hồ sơ đất đai đối với các trường hợp đang sử dụng đất giao trái thẩm quyền, lãnh đạo huyện cùng cơ quan chức năng nghiên cứu, hướng dẫn địa phương thực hiện và có quy định cụ thể về mức hỗ trợ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người bị thu hồi đất nhưng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Còn đối với các thửa đất nông nghiệp sau thu hồi bị hạn chế khả năng canh tác, có phương thức hỗ trợ GPMB tốt hơn theo hướng hỗ trợ tái thiết sản xuất hoặc thu hồi nốt phần diện tích còn lại của các hộ gia đình để đảm bảo quyền lợi chính đáng cũng như phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh để người dân bức xúc.
Bên cạnh đó, huyện Phú Xuyên cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác GPMB giúp các đơn vị ứng dụng phần mềm trong lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đồng thời, kết nối số liệu với UBND huyện, Phòng TNMT, giúp công tác kiểm đếm, thu hồi, ra quyết định được nhanh chóng, thuận lợi.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính, việc GPMB, thu hồi đất kịp thời là khâu then chốt để dự án hoàn thành đúng tiến độ. Do vậy, Thường trực Huyện ủy và Huyện ủy viên phụ trách các xã thường xuyên dự sinh hoạt chi bộ tại cơ sở có dự án trọng điểm nắm bắt và giải quyết kịp thời những tồn tại, hạn chế trong công tác bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Cùng với đó, Ban Thường vụ Huyện ủy giao UBND huyện xây dựng kế hoạch từng năm, tập trung vào dự án chuyển tiếp, dự án được bố trí vốn, đối với từng dự án chỉ rõ thời gian hoàn thành GPMB. Huyện còn thường xuyên rà soát quy trình, thủ tục GPMB, kiến nghị TP điều chỉnh, bổ sung, có cơ chế, chính sách áp dụng cho dự án khó khăn, nhất là về giá đền bù, xác định nguồn gốc đất.
“Đi đôi với công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, huyện Phú Xuyên thực hiện nghiêm việc cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, chống đối và không chấp hành quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…” - Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính khẳng định.