Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Sóc Sơn: Chậm giải phóng mặt bằng, Chủ tịch xã có thể bị kỷ luật

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch các xã, thị trấn của huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) phải chịu trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn, bảo đảm yêu cầu về tiến độ. Trường hợp chậm hoàn thành, có thể bị xem xét kỷ luật.

61 dự án phải giải phóng mặt bằng

Năm 2023, huyện Sóc Sơn được UBND TP Hà Nội phê duyệt 199 dự án, với tổng diện tích sử dụng đất hơn 2.000ha. Trong số này, có 134 dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn thực hiện. 7 dự án do các chủ đầu tư khác thực hiện. Ngoài ra còn có 2 dự án không thu hồi đất và 56 dự án không có diện tích đất thu hồi do đã giải phóng mặt bằng xong, hoặc chuyển mục đích sử dụng đất.

Quyền Trưởng phòng TN&MT huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Toàn cho biết, hiện đơn vị đã rà soát có 61 dự án đủ điều kiện và triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng năm 2023, với tổng diện tích đất thu hồi là 658,57ha; còn lại 37 dự án khác chưa đủ điều kiện để triển khai công tác giải phóng mặt bằng.

Huyện Sóc Sơn đang tích cực chỉ đạo giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng.
Huyện Sóc Sơn đang tích cực chỉ đạo giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội. Ảnh: Trọng Tùng.

“36 dự án khác do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện thực hiện có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2023, đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Trong số này có một số trường hợp cần giải quyết tồn tại để có mặt bằng thi công…” - ông Nguyễn Văn Toàn thông tin thêm.

Huyện Sóc Sơn xác định công tác giải phóng mặt bằng là tiền đề quan trọng để tổ chức thực hiện các dự án bảo đảm kế hoạch sử dụng đất năm 2023 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Chính vì vậy, địa phương đã sớm ban hành kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị chuyên môn, đặc biệt là các xã, thị trấn trong quá trình thực hiện.

Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân Chu Văn Phương cho biết, trên cơ sở kế hoạch của UBND huyện Sóc Sơn, địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng. Khẩn trương tiến hành rà soát, phân loại các dự án, đề ra lộ trình cụ thể, mục tiêu phù hợp để tổ chức thực hiện công tác giải phóng các dự án bảo đảm tiến độ.

Tiêu chí đánh giá kết quả công tác

 

“Năm 2022, có trường hợp lãnh đạo xã bị cơ quan công an điều tra khởi tố vì tội nhận hối lộ. Đây là bài học cho lãnh đạo các cấp chính quyền. Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ và xử lý nghiêm trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức được giao nhiệm vụ…”

Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh

Để bảo đảm hiệu quả công tác giải pháp mặt bằng theo kế hoạch năm 2023, huyện Sóc Sơn chủ trương gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các xã, thị trấn. Vừa qua, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn đã tổ chức ký cam kết về việc bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án với Chủ tịch UBND các xã, thị trấn. 

Theo đó, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn cam kết: Trường hợp không bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng theo kế hoạch từng tháng, sẽ thực hiện tự đánh giá “không hoàn thành nhiệm vụ”, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật và hình thức kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động và Nghị định số 19/NĐ-CP của Chính phủ.

Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết, cùng với việc gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án, huyện sẽ tổ chức giao ban kiểm điểm hàng tuần, hàng tháng để đánh giá kết quả thực hiện; từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo giải quyết.

Ông Phạm Văn Minh cũng lưu ý các xã, thị trấn cần quản lý tốt hồ sơ giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng sự việc tại cơ sở đã từng được UBND huyện chỉ đạo hướng giải quyết, nhưng khi phát sinh sự việc tương tự, vẫn có văn bản kiến nghị lên cấp huyện. Đối với các đơn thư, khiếu nại phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng, cần tập trung xử lý sớm, không để khiếu kiện kéo dài.