Huyện Sóc Sơn: Nhân rộng diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm gia tăng giá trị sản xuất lúa gạo, những năm qua, bà con nông dân huyện Sóc Sơn đã đẩy mạnh việc đưa các giống mới có năng suất, chất lượng vào canh tác; bước đầu mang lại nhiều kết quả tích cực.

Năng suất, chất lượng vượt trội

Vụ Xuân 2022, hộ ông Ngô Văn Khang ở thôn Thượng (xã Đông Xuân) gieo cấy hơn 1,5 mẫu lúa. Vụ này, giống HD11 do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo, được ông Khang lựa chọn. Đây là giống lúa mới chất lượng cao, được đánh giá là cứng cây, ít bị sâu bệnh hại, và đặc biệt phù hợp với đặc tính đồng đất của địa phương.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Xuân Nguyễn Thành Cơ cho biết, vụ Xuân 2022, toàn xã có tổng số 290ha diện tích đất gieo cấy lúa. Sau lần thí điểm thành công vào vụ Mùa 2021, địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động bà con. Theo đó, có đến 95% diện tích sản xuất lúa Xuân của nông dân địa phương sử dụng giống lúa chất lượng cao HD11.

Bà con nông dân xã Tân Hưng (huyện Sóc Sơn) bón phân cho lúa. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Bà con nông dân xã Tân Hưng (huyện Sóc Sơn) bón phân cho lúa. Ảnh: Lâm Nguyễn.

“Ngoài khả năng kháng sâu bệnh tốt, giống lúa HD11 còn cho năng suất cao (đạt bình quân khoảng 70 - 72 tạ/ha trong vụ Xuân). Tỷ lệ gạo xay xát cao; gạo trong, hạt thon dài. Nấu thành cơm rất thơm ngon, ăn mềm và vị đậm…” - ông Nguyễn Thành Cơ thông tin thêm.

Tại một vùng canh tác lúa trọng tâm khác thuộc xã Tân Hưng, bà con nông dân cũng đang tập trung chăm sóc cho diện tích lúa mới cấy. Ông Nguyễn Văn Sắc ở thôn Cốc Lương, cho biết vụ Xuân 2022 gia đình gieo cấy 8 sào lúa giống J02 của Nhật Bản.

“Đây là giống lúa hàng hóa, chất lượng cao, chúng tôi tin tưởng đưa vào sản xuất vì đã được trồng thử nghiệm tại nhiều địa phương, có thể cho năng suất bình quân khoảng 1,8 tạ/sào và giá trị kinh tế cao gấp 1,5 - 2 lần so với giống Khang Dân truyền thống…” - ông Nguyễn Văn Sắc cho hay.

Đáp ứng đa dạng nhu cầu thị trường

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Nguyễn Văn Nghi, toàn xã có khoảng 475ha đất nông nghiệp gieo cấy lúa Xuân. Trong số này, hơn 250ha gieo trồng giống J02 và HD11. Ngoài ra, bà con còn lựa chọn thêm một số giống khác để gieo cấy, nhưng cũng đều là giống lúa chất lượng cao. Diện tích lúa sử dụng giống có năng suất nhưng chất lượng hạn chế như Khang Dân xu hướng ngày một ít dần. 

 

“Hiện nay, những diện tích lúa hàng hóa vẫn được bà con tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái, nên nhiều thời điểm không tránh khỏi việc bị ép giá. Chính vì vậy, kiến nghị các sở ngành của Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn có thêm giải pháp thúc đẩy kết nối tiêu thụ lúa gạo bền vững để người nông dân yên tâm sản xuất…”

Giám đốc Hợp xã tác Dịch vụ nông nghiệp xã Tân Hưng Nguyễn Thị Bích Liên

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, những năm qua, địa phương phối hợp với các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức khảo nghiệm và hỗ trợ cho bà con nông dân đưa nhiều giống lúa mới vào sản xuất. Nhiều hộ dân thuộc vùng canh tác lúa hàng hóa, chất lượng tại các xã: Đông Xuân, Tân Hưng… cũng được hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Cũng theo ông Hoàng Chí Dũng, phát triển những vùng lúa hàng hoá là định hướng được huyện Sóc Sơn chỉ đạo đẩy mạnh trong nhiều năm gần đây. Thống kê đến nay, trong tổng số gần 9.100ha lúa Xuân hàng năm, có đến 85% tổng diện tích canh tác sử dụng các giống lúa chất lượng cao như: J01, J02, HD11, HDT10, TBR225, VNR20… Chỉ còn lại một phần nhỏ là diện tích gieo cấy giống lúa cũ (chủ yếu là Khang Dân), do phù hợp với chân đất vàn và vàn cao.

“Cùng với nhân rộng vùng lúa hàng hóa chất lượng cao, huyện đang thí điểm canh tác một số giống lúa hữu cơ, lúa dược phẩm chức năng tại các xã: Xuân Giang, Bắc Sơn… nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của thị trường. Từ đó, nâng cao giá trị sản xuất của ngành hàng lúa gạo và cải thiện thu nhập cho người nông dân…” - ông Hoàng Chí Dũng cho biết thêm.