Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Thạch Thất sẽ là trung tâm khoa học công nghệ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng huyện Thạch Thất là huyện ngoại thành phía Tây trung tâm thành phố Hà Nội với tính chất cơ bản là phát triển khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo chất lượng cao; tiểu thủ công nghiệp làng nghề, dịch vụ, du lịch gắn với nông nghiệp sinh thái.

Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội vừa phối hợp với UBND huyện Thạch Thất tổ chức hội nghị công bố, bàn giao hồ sơ quy hoạch chung xây dựng huyện Thạch Thất đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 và quy hoạch chung thị trấn Liên Quan đến năm 2030, tỷ lệ 1/5.000.

Theo quy hoạch chung xây dựng huyện Thạch Thất đến năm 2030, huyện Thạch Thất có diện tích khoảng 18.459,05ha. Phía Bắc và Đông Bắc giáp huyện Phúc Thọ; Phía Nam và Đông Nam giáp huyện Quốc Oai; Phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Hòa Bình; Phía Tây và Tây Bắc giáp thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì.

Là huyện ngoại thành phía Tây trung tâm thành phố Hà Nội với tính chất cơ bản là phát triển khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo chất lượng cao; tiểu thủ công nghiệp làng nghề, dịch vụ, du lịch gắn với nông nghiệp sinh thái.

 
Huyện Thạch Thất sẽ là trung tâm khoa học công nghệ - Ảnh 1

Mục tiêu nhằm cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.

Rà soát, khớp nối các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư có liên quan. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp đối với các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư đã được cấp thẩm quyền phê duyệt hoặc đang triển khai nghiên cứu có sự thay đổi về ranh giới hoặc kiến nghị thay đổi chức năng cần cập nhật vào đồ án Quy hoạch chung xây dựng huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000.

Phát triển huyện Thạch Thất phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tương xứng với vị trí ở vùng đô thị phía Tây thành phố Hà Nội, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển đô thị trung tâm Hà Nội.

Khai thác và phát huy cao nhất các lợi thế cạnh tranh của huyện Thạch Thất, đặc biệt tập trung vào phát triển tiềm lực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, tiểu thủ công nghiệp kết hợp dịch vụ - du lịch và sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế của huyện và phát triển bền vững của TP Hà Nội.

Làm cơ sở tổ chức lập các quy hoạch và dự án đầu tư; Kiểm soát phát triển và quản lý đô thị; Cập nhật, hướng dẫn, kiến nghị hướng giải quyết các đồ án, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quy mô dân số dự báo: đến năm 2020 khoảng 324.200 người (dân số đô thị khoảng 124.700 người, dân số nông thôn khoảng 181.800 người, thành phần dân số khác khoảng 17.700 người); đến năm 2030 khoảng 648.900 người (dân số đô thị khoảng 414.600 người, dân số nông thôn khoảng 189.100 người, thành phần dân số khác khoảng 45.200 người).

Tổng diện tích tự nhiên (toàn bộ địa giới hành chính huyện Thạch Thất) là 18.459,05ha. Trong đó, khu vực phát triển đô thị khoảng 10.134,05ha; khu vực nông thôn khoảng 8.325ha.

Mô hình không gian huyện Thạch Thất chuyển từ cấu trúc huyện nông nghiệp-làng nghề, có trung tâm là thị trấn huyện lỵ Liên Quan (diện tích đất đô thị chiếm khoảng 1,58% diện tích tự nhiên toàn huyện) sang cấu trúc Đô thị vệ tinh - Hành lang xanh (diện tích đất đô thị chiếm khoảng 50% diện tích tự nhiên toàn huyện). Hành lang xanh, gồm các khu dân cư nông thôn và vùng sinh thái nông nghiệp.