Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Ứng Hòa: Chuyển bất lợi thành tiềm năng phát triển

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là vùng chiêm trũng nên sản xuất nông nghiệp của huyện Ứng Hòa gặp nhiều khó khăn.

Trước bất lợi về địa thế, lãnh đạo huyện đã trăn trở tìm hướng đi mới, và một trong số đó là tạo điều kiện cho các hộ chuyển đổi vùng trũng sang nuôi trồng thủy sản, đồng thời đưa giống lúa chất lượng cao vào gieo cấy.
Chuyển đất lúa sang đất cá

Từ năm 2008, gia đình bà Trần Thị Chiên, xã Trầm Lộng bắt đầu chuyển đổi từ đất hai vụ lúa sang nuôi trồng thủy sản trên diện tích 3.600m2, chủ yếu là cá nước ngọt. Nhờ địa thế chiêm trũng, nguồn nước dồi dào, nên việc cải tạo điều kiện nuôi trồng thuận lợi. Dù vậy, phương thức nuôi trồng truyền thống cho giá trị không cao. Năm 2016, được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội và UBND huyện Ứng Hòa, bà Chiên chuyển sang mô hình nuôi cá nước ngọt an toàn sinh học. “Ưu điểm lớn nhất của phương pháp nuôi an toàn sinh học là môi trường ao nuôi được đảm bảo hơn, qua đó tăng sức chống chịu với dịch bệnh, cá sống khỏe, phát triển tốt và cho năng suất cao hơn” - bà Chiên cho biết. Mô hình sản xuất tiến bộ giúp gia đình bà Chiên không chỉ thoát nghèo, mà còn ngày một khấm khá hơn.
 Áp dụng cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Trọng Tùng
Ở xã Trầm Lộng không chỉ có gia đình bà Chiên “ăn nên làm ra” nhờ nghề nuôi cá nước ngọt. Đến nay mô hình không chỉ phát triển mạnh mẽ ở địa phương này, mà còn được nhân rộng ra các vùng thủy sản tập trung khác thuộc 6 xã gồm: Đồng Tân, Hòa Lâm, Liên Bạt, Phương Tú, Trung Tú và Tảo Dương Văn. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện Ứng Hòa đến nay lên tới 3.210ha. Sản lượng thủy sản tăng nhanh qua các năm, riêng năm 2017 đạt gần 30.500 tấn.

Bên cạnh nuôi trồng thủy sản, huyện cũng từng bước đưa các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị ngành hàng lúa gạo. Đơn cử như vụ Xuân năm 2018, trong số 9.100ha lúa, có khoảng 2.284ha cấy giống lúa J02 chất lượng cao tại 19/28 xã. Trước đó, trong vụ Xuân và vụ Mùa năm 2017, diện tích lúa chất lượng cao cũng đạt lần lượt khoảng 35% và 37%. Điều đáng nói là địa phương đã từng bước liên kết với các DN, từ cung ứng giống, phân bón tới tiêu thụ lúa gạo. Từ đó, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất.

Mở rộng thâm canh thủy sản

Nhờ phát huy thế mạnh địa phương gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Ứng Hòa đã đạt trung bình trên 155 triệu đồng/ha. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn huyện Ứng Hòa đã đạt xấp xỉ 33 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,07%. Đời sống người dân ngày một được cải thiện…

Mặc dù đã có bước phát triển nhưng nhìn chung quy mô sản xuất ở Ứng Hòa vẫn mang tính nhỏ lẻ. Hàng hóa nông sản chưa qua chế biến nên giá trị kinh tế thấp, chưa có tính cạnh tranh. Việc thu hút các tổ chức, DN đầu tư vào nông nghiệp, nhất là khâu bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch còn rất khó khăn…

Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Lê Hồng Hà cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất lúa tập trung, từng bước hình thành những cánh đồng mẫu lớn. Trong canh tác lúa, phấn đấu đưa tỷ lệ giống chất lượng cao đạt khoảng 40%/vụ. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; Chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, thúc đẩy canh tác lúa và nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu lúa hàng hóa và chuỗi liên kết thủy sản… Để hỗ trợ địa phương trong phát triển thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, ông Hà kiến nghị UBND TP sớm cho triển khai dự án Nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi cấp nước từ sông Đáy đến khu nuôi trồng thủy sản tập trung, tạo điều kiện cho sản xuất của người nông dân.