Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Ứng Hòa - vùng trũng “đơm hoa” giữa mùa dịch Covid-19

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Những ngày đầu tháng 9 này, về huyện Ứng Hòa, đến bất kỳ đâu đều cảm nhận được sự tất bật của người dân đang ra sức chăm sóc cây trồng ở 7.688ha đất sản xuất nông nghiệp và 4.070ha trang trại ao, hồ nuôi trồng thủy sản, nhằm kết nối lại chuỗi sản xuất, chăn nuôi với mong muốn sớm được thu hoạch để cung ứng, sẻ chia với người dân “vùng đỏ”.

Những vựa cá ở xứ đồng
Mặc dù không hẹn trước, nhưng chúng tôi rất may mắn khi vừa đặt chân đến trụ sở UBND xã Trung Tú, gặp được ngay Chủ nhiệm HTXNN Trung Tú Nguyễn Văn Lăng. Chỉ kịp trao đổi vài câu, anh Lăng đề nghị chúng tôi di chuyển luôn đến các xứ đồng chuyên canh thủy sản của xã, khảo sát thực tế việc người dân nơi đây đang ra sức chăm sóc những vựa cá, đàn vịt, gà, với mong muốn sớm được thu hoạch để cung ứng cho người dân “vùng đỏ” phải tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nhằm đảm bảo cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
 Lãnh đạo huyện Ứng Hòa thăm mô hình trồng dưa lưới tại xã Phù Lưu
Đi một vòng quanh các xứ đồng chuyên canh thủy sản của xã Trung Tú, chúng tôi mới cảm nhận thấy thế nào là những vựa cá phóng tầm mắt cùng với những cánh đồng mẫu lớn lúa đang độ chín vàng chờ ngày thu hoạch. Đi xa khỏi khu dân cư thôn Tự Trung chúng tôi rẽ vào xứ đồng Lõng Tre rộng hàng chục hecta, khu trang trại chuyên canh thủy sản, trên bờ là gà, vịt ngang ngỗng, dưới ao là những đàn cá đang tung tăng bơi. Rẽ vào trang trại nhà anh Trần Văn Bá - ông chủ đang tất bật chăm sóc gần chục ao cá rộng 2ha.
Anh Bá hồ hởi cho biết: "Tôi làm trang trại chăn nuôi thủy sản với đủ các loại cá đã được khoảng 30 năm. Mỗi ao là một loại cá khác nhau, trắm, chép, trôi, mè, rô phi… Hàng năm thu hoạch cá ở mỗi ao hai lần vào giữa năm và cuối năm hoặc đầu năm. Cứ mỗi buổi sáng tôi phải mất 2 - 3 giờ để vận chuyển thức ăn chủ yếu là cám đến từng ao cho đàn cá ăn, đồng thời kiểm tra nước ở các ao, cắm máy sục khí cho cá, cắt cỏ để cá ăn thêm cho đủ chất, chăm sóc cá cũng khá vất vả anh ạ! Ngày nào tôi cũng quần quật làm việc để chăm sóc đàn cá bắt đầu từ 6h sáng…".
 Anh Trần Văn Bá, thôn Tự Trung, xã Trung Tú cho cá ở các ao ăn
Những ngày này, gia đình anh phải tăng cường thời gian chăm sóc đàn cá hơn, vì để cuối tháng 9 này thu hoạch ao cá trắm với khoảng 5 tấn và sang tháng 10 sẽ tiếp tục thu hoạch ao cá chép cũng cỡ 4 tấn. Mỗi năm 2ha ao hồ của anh Bá cho thu hoạch khoảng 40 tấn cá, cung ứng cho người dân nội đô TP. Tranh thủ đang lúc chờ vợ và con vận chuyển cám ra bờ ao để cho cá ăn, anh Bá chia sẻ thêm: "Thời gian này giá bán không ổn định, lãi lời chẳng được là bao, tuy nhiên không phải vì thế mà không thu hoạch cá. Lúc này hơn bao giờ hết là việc đánh bắt cá vừa tạo thu nhập cho gia đình, mặt khác còn để cung ứng cho người dân nội đô đang phải gồng mình chống dịch. Những ngày này các thành viên trong gia đình tôi coi đây là nhiệm vụ số một đấy".
Theo chân Chủ nhiệm HTXNN Trung Tú Nguyễn Văn Lăng, chúng tôi sang thăm trang trại nhà anh Trần Văn Toản ở liền kề. Vừa pha xong ấm trà cũng là lúc chiếc xe ô tô tải chở cá chép giống của anh về đến đầu bờ ao. Anh Toản vội vã đứng dậy và chỉ kịp phân bua: “Mấy anh em thông cảm nhé, tôi phải ra nhận cá giống để còn thả luôn xuống ao cho gọn việc và còn cho đàn cá ở 1ha ao hồ ăn chứ. Từ sáng đến giờ mải dọn kho cám nên quên mất việc thường ngày vào buổi sáng cho cá ăn. Đặc biệt vào thời điểm này việc chăm sóc đàn cá là rất quan trọng vừa giúp gia đình sớm được thu hoạch, tăng thu nhập mà còn cung ứng thực phẩm cho người dân nội đô những tháng cuối năm". Chỉ thoáng nhìn thấy bóng anh Toản xách xô cám trên tay, thế là đàn cá ở các ao nhao nhao nổi lên mặt nước quẫy loạn xạ…
 Trang trại hơn 40.000 con gà đẻ của anh Nguyễn Văn Toàn ở xã Viên An
Mở rộng diện tích nuôi trồng
Quả thực, có đi quanh các xứ đồng của xã Trung Tú mới thấy được 308ha nuôi trồng thủy sản và vai trò trong việc cung ứng thực phẩm hàng ngày cho các quận nội đô TP, đặc biệt thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn đang nóng. Chủ tịch UBND xã Trung Tú Vương Đăng Tân cho biết: “Nhờ sự đồng lòng, quyết tâm thực hiện dồn điền đổi thửa từ sớm đã giúp những trang trại chăn nuôi và cánh đồng mẫu lớn trở thành “vựa cá, vựa lúa” với hàng trăm hộ chuyên canh lúa, cá, vịt, riêng sản lượng cá đạt gần 1.500 tấn/năm. Hàng năm, các mô hình kinh tế ở Trung Tú cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn thịt lợn,  gà vịt, tạo nguồn thu từ 300 - 500 triệu đồng cho mỗi hộ, đưa thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm…”.
Rời xã Trung Tú chúng tôi sang nhà Anh Nguyễn Văn Toàn - hộ chăn nuôi gà đẻ tầm cỡ ở xã Viên An. Anh Toàn chia sẻ: "Mấy ngày đầu cách ly xã hội toàn TP, giá trứng bán ra thấp, bà con ai cũng lo lắng sợ giá cả còn bấp bênh. Đến nay khác rồi, giá cả đã cơ bản được kiểm soát ổn định. Để đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, chăn nuôi, những ngày qua tiếng loa truyền thanh của huyện và xã cứ văng vẳng suốt cả ngày truyền đi thông điệp người dân, doanh nghiệp “vùng xanh” hăng hái thi đua mở rộng, tăng gia sản xuất, chăn nuôi để cung ứng nhu yếu phầm cho “vùng đỏ” thời gian tới".
“Tuy giá cả thức ăn cho gia súc, gia cầm thời điểm này khá cao, sản phẩm chăn nuôi bán được cũng chỉ lấy công làm lãi thôi, chủ yếu chúng tôi chia sẻ khó khăn với người dân nội đô là chính” - anh Toàn tâm sự.
 Anh Nguyễn Văn Toản, thôn Tự Trung, xã Trung Tú thả cá chép giống nuôi gối tiếp không để ao bỏ không
Phấn khởi chia sẻ về kết quả trong phát triển kinh tế trang trại, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch cho biết: Toàn huyện hiện có 4.070ha nuôi trồng thủy sản và 7.668ha chuyên canh lúa, cá, vịt, lợn, gà. Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa công nghệ cao, bền vững, từ nhiều năm qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân và các thành phần kinh tế tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Sau nhiều năm triển khai đã hình thành vùng sản xuất tập trung ở các xã, như: Chăn nuôi lợn ở Vạn Thái, Tảo Dương Văn, Sơn Công; sản xuất đa canh lúa - cá - vịt ở Trầm Lộng, Minh Đức; nuôi trồng thủy sản ở Trung Tú, Phương Tú, Hòa Lâm; trồng cây ăn quả ở Đồng Tiến, Phù Lưu....
Cũng theo ông Hoạch, trong những năm qua huyện Ứng Hòa còn hình thành các hợp tác xã dịch vụ liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản cho nông dân. Nhờ sản xuất ổn định, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đến nay đạt gần 50 triệu đồng/người/năm. Để đảm bảo nguồn cung cho người dân địa phương và đặc biệt là những quận “vùng đỏ” của TP trong thời gian tới, huyện cũng đã triển khai sản xuất cây vụ đông tăng thêm 230ha so với năm 2020 với đủ các loại cây rau, củ, quả. Cùng với đó, diện tích nuôi trồng thủy sản cũng được mở rộng, phát triển thêm tại các xã vũng trũng chuyên canh với 242ha…
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng, không những chỉ đạo các xã và HTXNN cũng như các hộ làm nghề chăn nuôi, trồng trọt trên toàn địa bàn tăng cường chăm sóc cây trồng, vật nuôi đảm bảo số lượng, chất lượng, mở rộng thêm diện tích chăn nuôi, trồng trọt. UBND huyện còn thống nhất với các huyện “vùng xanh” trong cụm thi đua số 11 phối hợp triển khai hàng loạt biện pháp thúc đẩy sản xuất - tiêu thụ hàng hóa nông sản, cung ứng, hỗ trợ kịp thời cho “vùng đỏ” khi cần thiết trong thời gian tới. “Đây được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của huyện trong thời điểm hiện nay, là yếu tố sẽ giúp cho người dân “vùng đỏ” yên tâm, vững tin thực hiện gian cách xã hội. Có làm được như vậy chúng ta sẽ sớm đẩy lùi được dịch Covid-19…” - ông Hoàng khẳng định.