Tham gia toạ đàm có đại diện Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội; Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; Ban chỉ đạo Chương trình 01 của Huyện ủy, Cán bộ Dân vận, văn phòng Huyện ủy, phòng dân tộc, MTTQ và các đoàn thể huyện; các đồng chí Thường trực đảng uỷ, HĐND, UBND, Chủ tịch MTTQ, đoàn thể, cùng 28 đại biểu là tổ trưởng tổ dân vận thôn, người có uy tín trong đồng bào DTTS của 7 xã miền núi: Ba Trại, Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì, Tản Lĩnh, Vân Hòa và Yên Bài.
Đồng chí Nguyễn Văn Hà - Phó Bí thư huyện ủy – Chủ tịch HĐND huyện; Ngô Thị Bích Thảo – UVTV, Trưởng ban Dân Vận huyện ủy; Nguyễn Văn Hải – Phó chủ tịch UBND huyện đồng chủ trì toạ đàm.
Bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong thời kỳ mới, những năm qua công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cả hệ thống chính trị quan tâm thực hiện. Huyện ủy đã ban hành 2 nghị quyết, 1 kết luận về chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội 7 xã miền núi. UBND huyện đã thành lập ban chỉ đạo và triển khai có hiệu quả các kế hoạch của UBND TP và huyện. Trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục và đào tạo nghề được quan tâm chú trọng. Từ năm 2011 đến năm 2016, huyện đã tổ chức được 225 lớp dạy nghề cho 15.960 người, trong đó 6126 người dân tộc thiểu số; 246 buổi tập huấn, tuyên truyền pháp luật, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 29.500 lượt đồng bào dân tộc thiểu số; Khối dân vận, tổ dân vận các xã đã phối hợp triển khai các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy tốt bản sắc văn hóa dân tộc; đến nay đã có 34 làng được công nhận là làng văn hóa đạt 44%. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được xây dựng như: Chăn nuôi bò sữa ở xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài; Sản xuất chè búp khô ở Ba Trại, sản xuất miến dong ở xã Minh Quang, Thuốc nam ở xã Ba Vì.....Tích cực vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đồng bào đã đóng góp được 8083 ngày công để xây dựng, tu sửa 34,6km đường giao thông, kiên cố hóa 57,2 km kênh mương nội đồng, cầu cống, trường lớp; đã hiến 200.000m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi. Nhờ vậy mà đời sống Nhân dân đồng bào dân tộc thiểu số ngày một nâng cao, số hộ nghèo từ 19,75 (2011) xuống còn 10,54% (năm 2016) theo tiêu chí mới.
Tại buổi tọa đàm có 11 ý kiến tham luận của các đại biểu đại diện cho cấp ủy lãnh đạo các xã, MTTQ, người có uy tín, tổ trưởng tổ dân vận tham dự buổi tọa đàm. Các ý kiến tập trung vào các vấn đề: Công tác vận động Nhân dân dồn điền đổi thửa xây dựng nông thôn mới, Công tác bảo tồn các bản sắc văn hóa dân tộc Mường, Dao; Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội, Vận động Nhân dân không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan, truyền đạo trái pháp luật....Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy đã đánh giá cao việc tổ chức toạ đàm của Ban Dân vận Huyện uỷ, đồng chí biểu dương những kết quả mà các xã vùng dân tộc miền núi của huyện đã đạt được, đặc biệt là công tác dân vận trong giảm nghèo; dồn điền đổi thửa, bài trừ mê tín dị đoan với những thông tin trao đổi hữu ích, chia sẻ kinh nghiệm quý trong công tác dân vận ở địa phương. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí nhấn mạnh cần tăng cường sự phối hợp giữa MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp nói chung và 7 xã dân tộc miền núi nói riêng; tiếp tục phát huy vai trò trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung của công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng; phải bám sát bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và tình hình thực tiễn của địa phương, tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra , sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện và thường xuyên bổ sung điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp với tình hình mới.