Theo kế hoạch, bầu cử Hạ viện Ấn Độ khóa XVI diễn ra từ ngày 7/4 - 12/5, gồm 9 giai đoạn với 814 triệu cử tri đi bỏ phiếu, nhiều hơn 97 triệu cử tri so với cuộc bầu cử tổ chức năm 2009. Theo Hiến pháp Ấn Độ, Hạ viện có cơ cấu 545 thành viên, trong đó 543 thành viên sẽ được bầu trực tiếp tại các khu vực bầu cử và 2 Hạ nghị sĩ sẽ được bổ nhiệm từ cộng đồng người Ấn gốc Anh. Đảng nào giành được đa số (tối thiểu 272 ghế) mới được đứng ra thành lập Chính phủ độc lập, nếu không, các đảng phải thiết lập liên minh. Tiến trình bầu cử Hạ viện tại Ấn Độ rất phức tạp và kéo dài, đơn cử như để bầu ra 14 Hạ nghị sĩ, bang Assam - địa phương mở màn cho bầu cử, phải tiến hành 3 giai đoạn bỏ phiếu. Ngày 7/4, cử tri tại 5 khu vực gồm Tezpur, Kaliabor, Jorhat, Dibrugarh và Lakhimpur đã đi bỏ phiếu; các khu vực còn lại sẽ tiến hành bầu cử trong 2 giai đoạn tiếp theo vào ngày 12 và 24/4.
Ông Rahul Gandhi (áo trắng) - ứng cử viên Thủ tướng của đảng Quốc đại. Ảnh: AP
|
Điểm mới của cuộc bầu cử năm nay tại Ấn Độ là có tới 90.000 người từ 18 - 22 tuổi lần đầu tiên tham gia bỏ phiếu. Ấn Độ là quốc gia có dân số trẻ nhất thế giới khi có tới hơn 60% dân số dưới 35 tuổi, và việc ghi điểm trước các cử tri trẻ của Ấn Độ không phải là điều quá khó. Phần lớn các cử tri trẻ đều bày tỏ mong muốn một xã hội không tham nhũng, phúc lợi cao, có đầy đủ nguồn nước sạch, đường sá tốt hơn, thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài hơn để mang lại việc làm cho người lao động. Chính điều này đã tác động trực tiếp đến việc lựa chọn các ứng cử viên và cương lĩnh tranh cử của các đảng phái. Vì thế, không ngạc nhiên khi đảng Quốc đại và đảng BJP đều có những ứng cử viên trẻ đáng chú ý.
Những gương mặt nổi bật như con trai Gourav Gogoi của ông Tarun Gogoi - Thủ hiến bang Assam là ứng cử viên trẻ tuổi nhất (31 tuổi), còn ứng viên Kamakhya Prasad Tasa (38 tuổi) đến từ TP Jorhat lại nhận được sự ủng hộ đông đảo của tầng lớp công nhân. Trong khi đó, ứng cử viên Rahul Gandhi (43 tuổi) - hậu duệ của dòng họ Gandhi và cũng là người được Thủ tướng đương nhiệm giới thiệu đã cùng ứng cử viên nặng ký nhất của đảng BJP là Narendra Modi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để "lấy lòng" những người trẻ.
Giới quan sát gọi cuộc tổng tuyển cử sắp tới của Ấn Độ là cơ hội để những người trẻ thể hiện sức mạnh của mình thông qua việc ứng cử vào vị trí lãnh đạo và quyền được chọn người lãnh đạo. Người dân cũng hy vọng, nhân tố trẻ (bao gồm ứng cử viên trẻ và cử tri trẻ) sẽ tạo ra bước ngoặt quan trọng cho đất nước sông Hằng. Trên thực tế, năm 2013, lá phiếu của cử tri trẻ tuổi đã giúp ông Arvind Kejriwal - thủ lĩnh đảng Người của nhân dân (APP) trở thành Thủ hiến trẻ nhất bang Delhi.
Hiện chưa rõ đảng nào sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ nghị viện khóa XVI để có quyền thành lập Chính phủ, tuy nhiên, có một điều chắc chắn là tiến trình bầu cử tuy kéo dài và phức tạp này đã mang lại "làn gió mới" cho chính trường Ấn Độ.