Báo cáo hàng tháng của IEA cho biết, người tiêu dùng lẽ ra đã được hưởng lợi từ việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) tiếp tục phục hồi sản lượng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn cung toàn cầu đã giảm 540.000 thùng/ngày trong tháng 8 do sự gián đoạn bất ngờ và dự kiến tình hình sẽ không mấy cải thiện trong tháng 9 này.
"Tình trạng ngừng sản xuất ngoài kế hoạch đã tạm thời làm gián đoạn xu hướng tăng nguồn cung dầu thế giới bắt đầu từ tháng 3, nhưng tăng trưởng dự kiến sẽ tiếp tục vào tháng 10", IEA, có trụ sở tại Paris, cho biết.
Dẫu vậy, sự sụt giảm về nguồn cung được cho không tác động lớn đến giá cả, do xu hướng tiêu thụ nhiên liệu giảm. IEA cho biết, nhu cầu dầu toàn cầu đã giảm kể từ tháng 7 khi các trường hợp nhiễm Covid-19 tăng lên, dẫn đến hạn chế di chuyển ở châu Á. Dầu thô đã giao dịch gần 70 USD/thùng ở New York trong hầu hết tháng này.
IEA cho biết, mức tiêu thụ nhiên liệu thế giới sẽ giảm trung bình 310.000 thùng/ngày mỗi tháng từ tháng 7 - 9. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy nguy cơ dịch bệnh Covid-19 nghiêm trọng đang giảm bớt, và IEA dự kiến nhu cầu sẽ tăng mạnh lên 1,6 triệu thùng/ngày vào tháng 10 tới, với sự tăng trưởng tiếp tục cho đến cuối năm.
Xu hướng cung cầu hiện tại cho thấy lượng dầu tồn kho tiếp tục giảm. Theo ước tính sơ bộ của IEA, các kho dự trữ nhiên liệu ở các nền kinh tế phát triển đã giảm 30 triệu thùng trong tháng trước, khiến chúng ở mức thấp hơn mức trung bình 5 năm là 186 triệu thùng.
"Chỉ đến đầu năm 2022, nguồn cung sẽ đủ cao để cho phép bổ sung các kho dự trữ dầu. Trong thời gian chờ đợi, các kho dự trữ dầu chiến lược từ Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ được sử dụng để giúp thu hẹp khoảng cách", báo cáo hôm 14/9 của IEA cho biết.
Liên quan đến nguồn cung, IEA lưu ý rằng sự kiện bão Ida - cơn bão cấp 4 đổ bộ vào Bờ Vịnh của Mỹ hôm 29/8 ban đầu đã làm chậm sản xuất 1,7 triệu thùng dầu/ngày. Nhiều tuần sau, ngành công nghiệp vẫn đang vật lộn để khởi động lại nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng và sản lượng dầu thô của khu vực dự kiến sẽ giảm trung bình 650.000 thùng/ngày trong tháng này.
Trong khi hầu hết các nước OPEC đã tăng sản lượng trong tháng 8, một số ít thành viên OPEC+ ghi nhận sản lượng giảm. Tổng nguồn cung dầu thô của OPEC+ giảm 150.000 thùng/ngày xuống 41,58 triệu thùng/ngày trong tháng 8 do mức tăng từ Ả Rập Saudi, Iraq và Nga không bù đắp được tổn thất ở Nigeria, Kazakhstan và Mexico.
IEA cho biết, nhóm dự kiến sẽ thêm 400.000 thùng/ngày công suất không hoạt động trong tháng này, nhưng các thành viên bao gồm Nigeria, Angola và Malaysia đang tiếp tục đấu tranh để tăng sản lượng.